Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn năm 2045 (24/10/2023, 21:00)

Ngày 24/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn năm 2045”.

Tham dự Hội thảo có Viện Chính sách và chiến lược, Vụ tổ chức cán bộ và Sở NNPT&NT 5 tỉnh Tây Nguyên, cơ sở giáo dục, sở, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia đánh giá hiện trạng và chính sách chiến lược phát triển nguồn nhân lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2022; thực trạng, bối cảnh và dự báo nhân lực ngành NN&PTNT; thông qua nội dung Dự thảo Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn 2045.

Viện Chính sách và chiến lược chia sẻ thực trạng và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ngành NN&PTNT

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, mỗi năm cókhoảng gần 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề,nâng tỉ lệ lao động có kỹ năng trong ngành NLTS tăng từ 28,9% năm 2011 lên 41,8% năm 2021(GSO, 2022) góp phần tích cực vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao lợi thếcạnh tranh, hội nhậpkinh tếquốc tếvà bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Trường Đại học Nha Trang chia sẻ giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành thủy sản

Tuy nhiên, năng suất lao động của lao động nông nghiệp Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới (thấp hơn 11,9 lần so với Malaysia; thấp hơn Indonesia 2,4 lần; Thái Lan 2,1 lần và Philippine là 1,8 lần ).

Lao động nông nghiệp Việt Nam nhìn chung có trình độ, kỹ năng thấp, lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỉ lệ lớn 4 , đa phần là đào tạo sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Trong số gần một triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, có đến 65% học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề. Lao động có bằng cấp đạt tỷ lệ thấp với khoảng 4,6% .

Thêm vào đó, lao động nông nghiệp đang phải đối mặt với xu hướng già hóa nhanh. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lao động dưới 35 tuổi đã giảm từ 37,4% năm 2012 xuống 26,2% vào năm 2017. Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ, trung bình hàng năm, lao động của ngành giảm 1%, tương đương khoảng 500.000 lao động chuyển ra khỏi khu vực nông nghiệp.

Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản (NLTS) ở địa phương cơ bản đủ về số lượng theo chỉ tiêu và đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Theo số liệu thống kê từ các sở Nông nghiệp và PTNT của 44 tỉnh (trong tổng số 63 tỉnh thành trên cả nước), đến năm 2021, tổng số cán bộ NLTS là 33,297 người, trong đó 81,2% có trình độ từ đại học trở lên (tiến sĩ chiếm 0,3%, thạc sĩ chiếm 12,7%, đại học chiếm 68,2%), còn lại trình độ cao đẳng chiếm 5,1%, trình độ trung cấp chiếm 10,8%, trình độ khác (sơ cấp, chứng chỉ nghề…) chiếm 3,0%.

Các cán bộ NLTS địa phương có 23,0% được đào tạo về nông nghiệp, 25,2% được đào tạo về lâm nghiệp khoảng, 6,6% được đào tạo về thủy sản, 5,9% được đào tạo về thủy lợi, 6,0% được đào tạo về kinh tế nông nghiệp và PTNT, còn lại 32,5% là các ngành nghề khác.

Trong giai đoạn 2011-2021 số lượng lao động NLTS giảm ở hầu hết các vùng, ngoại trừ vùng Tây Nguyên (số lượng lao động NLTS của Tây Nguyên tăng thêm khoảng 200 nghìn lao động trong cả giai đoạn), vùng có số lượng lao động NLTS giảm mạnh nhất là BTBDHMT, giảm 2,92 triệu lao động trong 10 năm, tiếp đến là vùng ĐBSH giảm 2,78 triệu lao động, vùng TDMNPB giảm 2,5 triệu lao động, vùng ĐBSCL giảm 1,55 triệu lao động.

Do đó, việc Xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là hết sức cấp thiết, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Dự thảo cũng nhấn mạnh về phát triển nhân lực theo các vùng kinh tế, trong đó vùng Tây Nguyên dự kiến đến năm 2025, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng đạt 2,99 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng của vùng đạt 46,3% và 5,6% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.

Đến năm 2030, tổng số nhân lực nông nghiệp làm việc trong vùng đạt 3,08 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng của vùng đạt 69,8% và 9,3% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Tập trung đào tạo đủ nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn của vùng là phát triển sản xuất cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, cao su, chè) theo hướng chuyên canh, tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao sản xuất hoa, rau, cây ăn quả; phát triển chăn nuôi trang trại, quy mô lớn, theo chuỗi khép kín, ứng dụng công nghệ cao; phát triển trồng rừng thâm canh, lâm sản ngoài gỗ (sâm Ngọc Linh, mắc ca…).

Một số nhiệm vụ, định hướng phát triển nguồn nhân lực gồm: Thay đổi nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của Ngành nông nghiệp và phát triển nguồn nhân lực đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước; xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học công nghệ; Tri thức hóa nông dân, phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp; Đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho lao động NLTS; thu hút lực lượng lao động trẻ, có trình độ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Các giải pháp dự thảo đề án đưa ra tập trung nhiệm vụ chính là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, Tổ chức, sắp xếp hệ thống bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan sự nghiệp, Phát triển hệ thống cơ sở đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao, Huy động sự tham gia của khối tư nhân, hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực,  Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển nguồn nhân lực. ...

Chia sẻ tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ NN&PTNT cần quan tâm đánh giá lại về thực trạng công tác tuyển sinh ở cơ sở giáo dục đại học còn gặp nhiều khó khăn, định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ và cơ chế liên kết doanh nghiệp và cơ sở giáo dục để tháo gỡ khó khăn, phục vụ phát triển kinh tế các vùng trọng điểm. Đối với lực lượng lao động thủy sản chiếm số đông của ngành cần đầu tư thêm cho lĩnh vực chế biến và lao động lĩnh vực cơ khí hậu cần dịch vụ ...; nâng cao vai trò của Sở NN&PTNT trong quá trình khảo sát đào tạo nhân lực, dự báo nhu cầu  đào tạo nhân lực của ngành.

Tại Đắk Lắk, theo thống kê của cơ quan chức năng đã đào tạo nghề cho 16.925 lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm đạt 85%. Đối tượng được đào tạo là người dân tộc thiểu số,  lao động thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng và lao động nông thôn khác.

Địa phương đề xuất Bộ NN&PTNT cần xem xét cơ chế khuyến khích và hỗ trợ kinh phí sau đào tạo cho công chức ngành; liên kết với cơ sở đào tạo, lĩnh vực đặc thù quản lý rừng cần có cơ chế để thu hút và động viên viên chức tham gia đào tạo bố trí việc làm; bồi dưỡng năng lực cho cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready