Hội thảo “Nghiên cứu địa chất thủy văn về cao nguyên bazan Đắk Lắk, Việt Nam – Chia sẻ bài học kinh nghiệm” (04/03/2016, 08:19)

Ngày 03/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội thảo “Nghiên cứu địa chất thủy văn về cao nguyên bazan Đắk Lắk, Việt Nam – Chia sẻ bài học kinh nghiệm”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà phê Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, địa chất, thủy lợi  trong và ngoài nước.  

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Dự án “Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà phê Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ và Công ty Nestle đồng tài trợ với các mục tiêu đảm bảo lượng nước sẵn có đầy đủ và công bằng cho tất cả các đối tượng sử dụng nước ở khu vực Tây Nguyên; tiết kiệm nước tưới bằng phương pháp quản lý nước tưới tiến bộ trong ngành cà phê; cải thiện đời sống kinh tế xã hội của người dân và bảo vệ môi trường.

Tập trung vào việc nghiên cứu địa chất thủy văn, các chuyên gia của Đại học Neuchatel Thụy Sỹ đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu tổng thể về địa chất và các tầng chứa nước, sự cân bằng nguồn nước ngầm và các điểm nóng về tình trạng khan hiếm nước của tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên. Theo nhóm nghiên cứu, sự bổ sung nguồn nước ngầm phụ thuộc vào lượng nước mưa và lượng nước bốc hơi. Kết quả nghiên cứu là căn cứ cho việc quản lý, sử dụng hợp lý nguồn nước theo hướng bền vững, đặc biệt là đối với việc sử dụng nước tưới trong sản xuất cà phê.

Đối với cây cà phê, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng người dân Đắk Lắk nói riêng và các địa phương sản xuất cà phê trọng điểm của Việt Nam đã sử dụng thừa lượng nước khá lớn với phương pháp tưới nước truyền thống. Theo nhóm nghiên cứu, đa số hộ nông dân sản xuất cà phê sử dụng tới 1.000 lít/cây cho mỗi lần tưới trong khi chỉ cần khoảng 400 lít/cây là đủ để cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt. Theo tính toán, lượng nước dư thừa trên tương đương với lượng nước tiêu thụ sinh hoạt gia đình hàng năm cho 25 triệu người.   

Theo ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, người nông dân còn nhiều băn khoăn xung quanh việc bỏ ra nguồn chi phí khá lớn để đầu tư cho các hệ thống tưới tiết kiệm nước nhưng chỉ cần áp dụng phương pháp tưới truyền thống một cách phù hợp về lượng nước, thời điểm là đã góp phần tiết kiệm nguồn nước ngầm. Cần tuyên truyền để người nông dân ý thức được rằng lượng nước tưới thừa không thể lập tức bổ sung trở lại cho nguồn nước ngầm cho đến mùa mưa sang năm. Do đó việc tưới đúng lượng nước cần thiết chính là hành động góp phần giữ lại nguồn nước ngầm phục vụ cho lần tưới tiếp theo.  

Đa số các chuyên gia tham dự Hội thảo đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của Dự án. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cũng cho rằng bên cạnh những giải pháp tưới tiết kiệm, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về nông nghiệp, thủy lợi mới có thể đem lại hiệu quả cao trong việc quản lý, sử dụng nguồn nước bền vững. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt việc tưới tiết kiệm, Dự án cũng cần nghiên cứu cụ thể về lượng nước tưới cần thiết gắn với các yếu tố về loại cà phê, loại đất và thời tiết để người dân có thể dễ dàng áp dụng.

Tuấn Hải

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready