Với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được chính quyền, doanh nghiệp phối hợp tuyên truyền kèm theo chương trình ưu đãi hấp dẫn áp dụng trong tháng cao điểm, hướng đến mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Chú trọng sức khỏe của người tiêu dùng
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối đã đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn.
Các đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất Nhà máy bia Sài Gòn- Miền Trung
Ông Võ Thành Điền -Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bia Sài Gòn- Miền Trung cho biết, minh bạch thông tin được xem là nền tảng then chốt cho tiêu dùng an toàn. Công ty luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về sản phẩm, bao gồm thành phần, nguyên liệu, quy trình sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng… trên bao bì sản phẩm, website và các kênh truyền thông chính thức.
Khách hàng tìm hiểu quy trình sản xuất bia Lowen của Công ty CP Bia Sài Gòn -Miền Trung
Bên cạnh đó, Công ty CP Bia Sài Gòn -Miền Trung còn chủ động tổ chức các chương trình, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc lựa chọn sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua đó, giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn thông thái và tự tin trong quyết định mua hàng.Công ty cam kết đồng hành cùng người tiêu dùng trong hành trình bảo vệ quyền lợi chính đáng, xây dựng một cộng đồng tiêu dùng thông thái và bền vững.
Với phương châm mang sản phẩm an toàn đến khách hàng, tại Siêu thị Bách hóa xanh, với chuỗi cửa hàng bán lẻ phân phối trên 200 mặt hàng, anh Hồ Minh Vương – Giám đốc bán hàng khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông chia sẻ: Minh bạch thông tin sản phẩm cho khách là nhiệm vụ ưu tiên. Từ khâu nhập hàng đến khi trưng bày, giá cả, xuất xứ chương trình khuyến mãi cập nhật rõ ràng. Ví dụ như sản phẩm thịt, trái cây ...đều được mã hóa để kiểm soát chất lượng.
Hệ thống siêu thị đã xây dựng ứng dụng quà tặng vip vừa tích điểm, theo dõi lịch sử mua sắm, góp ý trên ứng dụng hệ thống sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp của người tiêu dùng và nhanh chóng phản hồi khiếu nại của khách hàng đảm bảo quyền lợi, xây dựng mối quan hệ tin cậy và bền vững với người tiêu dùng. Ngày 15/3, hệ thống tổ chức truyền thông trực tiếp trực tuyến và chương trình khuyến mãi để khách hàng chung tay hưởng ứng hiệu quả.
Thường xuyên mua sắm tại siêu thị, bà Phan Thị Thùy Dương –Thành phố Buôn Ma Thuột cho hay: Mua hàng tại kênh phân phối siêu thị luôn có sự khác biệt về chất lượng, hàng hóa bày bán công khai thông tin, giá cả minh bạch. Bản thân thường xuyên tự tìm hiểu cách đọc thông tin mã hàng trái cây, thịt tươi sống.. theo dõi ưu đãi để lựa chọn giá cả phù hợp với nhu cầu. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất đều có xây dựng website hỗ trợ online thuận tiện cho khách hàng tìm hiểu thông tin từng sản phẩm dễ dàng tương tác phản hồi về chất lượng mọi lúc, mọi nơi.
Đảm bảo an toàn cho "chợ mạng"
Ông Nguyễn Văn Nghiêm –Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá, ngoài những quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi 2023 đã bổ sung các nhóm quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, các quy định dành riêng bảo vệ quyền lợi cho nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cũng lần đầu tiên, quy định về sản xuất, tiêu dùng bền vững được chính thức đề cập. Do đó, Sở tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương vận hành hiệu quả hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng, đặc biệt là kênh tiếp nhận trực tuyến.
Người tiêu dùng luôn được đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương, để chuẩn bị lộ trình thực thi Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi có hiệu lực 01/7/2024, các doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chủ động đưa trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng/duy trì các công cụ hữu hiệu để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng như: Xây dựng bộ phận chuyên trách tư vấn, hỗ trợ tiếp nhận giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng; trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cho cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp, nhất là bộ phận chăm sóc khách hàng...
Qua khảo sát của Sở Công Thương, trong đợt cao điểm tháng 3, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 với chủ đề: “Thông tin minh bạch – tiêu dùng an toàn” thông qua các hoạt động như: Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Tổ chức các chương trình tri ân người tiêu dùng hoặc các chương trình khuyến mãi để người tiêu dùng tiếp cận, mua sắm được những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp.
Các siêu thị đều triển khai bán hàng thông qua các nền tảng số, kèm theo nhiều chính sách ưu đãi để khách hàng dễ dàng lựa chọn mua sắm
Cùng với địa phương trong cả nước, ngành Công thương kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan. Từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.
Thống kê của Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk, tình trạng gian lận thương mại, vi phạm về chất lượng hàng hóa và dịch vụ ở các lĩnh vực vẫn tồn tại và ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Chỉ riêng trong năm 2023, Ngành Công Thương tỉnh đã thực hiện 10 cuộc thanh tra, kiểm tra 63 đơn vị, chủ trì triển khai 03 cuộc kiểm tra liên ngành về ATTP đối với 29 đơn vị. Kết quả có 26 tổ chức, cá nhân vi phạm (trong đó 08 tổ chức trong lĩnh vực xăng dầu; 06 tổ chức, cá nhân vi phạm trong về ATTP và 07 tổ chức, cá nhân vi phạm về điện). Phía Cục Quản lý thị trường trong năm qua cũng đã xử lý 712 vụ với 879 hành vi vi phạm ở các lĩnh vực. |
Kim Bảo
- Tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 (20/12/2024, 22:48)
- Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập (28/12/2004 – 28/12/2024) (20/12/2024, 20:03)
- Sơ kết 5 năm triển khai tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (20/12/2024, 18:33)
- Tổng kết công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2024 (20/12/2024, 10:52)
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thăm, chúc mừng các đơn vị quân đội (19/12/2024, 19:28)
- Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng năm 2024 (19/12/2024, 19:14)
- Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk triển khai nhiệm vụ năm 2025 (19/12/2024, 14:18)
- UBND tỉnh đối thoại với thanh niên tỉnh Đắk Lắk năm 2024 (18/12/2024, 14:00)
- Quán triệt, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (18/12/2024, 11:36)
- UBND tỉnh làm việc với Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (18/12/2024, 08:18)
- Ngành Tư pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025 (17/12/2024, 17:38)