Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên đã thống nhất 5 nhóm nội dung hợp tác thúc đẩy phát triển vùng từ tháng 8/2024 đến tháng 3/2025.
Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên; lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 5 tỉnh Tây Nguyên; ông Daniel Ross - Quyền Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam; ông Kim Wimbush - Tham tán CSIRO, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Tại cuộc họp, các thành viên của diễn đàn đã trao đổi nhiều vấn đề xung quanh tình hình sản xuất, chế biến cà phê, xuất khẩu cà phê của 5 tỉnh Tây Nguyên; các ưu tiên chiến lược ngắn hạn và dài hạn của các tỉnh trong sản xuất phát triển ngành hàng cà phê. Theo đó, cả Tây Nguyên hiện có hơn 650.000ha cà phê (90% diện tích cà phê cả nước): Đắk Lắk 230.000ha, Lâm Đồng 175.000 ha, Đắk Nông 142.000 ha, Gia Lai 110.000 ha, Kon Tum 26.000 ha.
Nội dung cuộc họp nhằm hỗ trợ Tây Nguyên nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo để ứng phó với các thách thức đối với ngành cà phê và trái cây. Theo đó, kết nối ngành với các nguồn lực kiến thức và công nghệ tại địa phương và của Úc, xây dựng mạng lưới liên minh trong các chuỗi giá trị chính giải quyết các thách thức chung để phát triển bền vững, hỗ trợ ĐH Tây Nguyên và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) xây dựng năng lực thương mại hóa và đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên trao đổi tại Diễn đàn
Phương thức thực hiện gồm các đối tác ĐH Tây Nguyên - Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Đắk Lắk, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) và Trung tâm phát triển cộng đồng (CDC). Cách tiếp cận đổi mới sáng tạo được thực hiện qua Diễn đàn đổi mới ngành cà phê, CLB ĐMST ngành rau, hoa, quả, các hoạt động chia sẻ kiến thức và nâng cao năng lực về ĐMST (kiến thức, kỹ năng và năng lực thúc đẩy kết nối mạng lưới…).
Tuy nhiên, các đại biểu cũng xác định, đây là dự án chương trình hợp tác quốc tế, do đó cần có những sản phẩm cụ thể tại các tỉnh để có tính lan tỏa lâu dài, chứ không chỉ vấn đề nâng cao năng lực; những vấn đề nào mà các địa phương đã chủ động thì dự án không nhất thiết tác động mà cần xây dựng kế hoạch dài hạn có sản phẩm tương ứng với tiềm năng của vùng Tây Nguyên và đúng tầm chương trình hợp tác quốc tế.
Ông Daniel Ross - Quyền Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam cho biết: “Thông qua đổi mới sáng tạo chúng tôi đang hỗ trợ nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững. Từ năm 2014 Trung tâm nông nghiệp Úc hỗ trợ phát triển nông nghiệp Tây Nguyên. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò lấy thịt, khoai mì, hồ tiêu, cà phê. Trung tâm cũng là nơi để nông dân và các nhà tài trợ gặp gỡ để cùng xác định và giải quyết một số vấn đề lớn của ngành cà phê và trái cây. Một số thách thức có thể kể là: biến đổi khí hậu; các tiêu chuẩn và hoạt động cấp chứng nhận; mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.
Trong đó biến đổi khí hậu là ưu tiên quan trọng của cả Chính phủ Việt Nam và Úc trong bối cảnh các sự kiện khí hậu đang ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Trong đó, Tây Nguyên – Lâm Đồng đã phải đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng thứ 3 trong vòng 10 năm trở lại đây, và nước Úc của chúng tôi cũng thường xuyên đối mặt với hạn hán.
Bộ Nông nghiệp Úc hiện đang triển khai một dự án lớn nhằm tìm hiểu cách đổi mới sáng tạo có thể xây dựng khả năng chống chịu, khả năng phục hồi cho các cộng đồng đối mặt với hiện tượng khí hậu cực đoan. Do đó, quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo này sẽ mở ra một cơ hội độc đáo để chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giữa hai nước chúng ta trong bối cảnh cả hai nước đều đang phải đối phó với biến đổi khí hậu.
Diễn đàn thảo luận thống nhất, từ tháng 8/2024 đến tháng 3/2025, Ban chỉ đạo xác định các ưu tiên chiến lược của các tỉnh Tây Nguyên cũng như kế hoạch ngắn hạn triển khai với 5 nội dung: Hỗ trợ kết nối các trang trại trái cây và rau quả ở Australia để hỗ trợ Đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai tại tiểu bang Queesland & New South Wales - Australia; Hội thảo chuyên gia về chế biến thực phẩm của Australia về đổi mới sáng tạo để hỗ trợ gia tăng giá trị ngành trái cây thông qua chế biến; Hội thảo với thị trường carbon có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Australia cho ngành cà phê ở Đắk Lắk; Thành lập CLB đổi mới sáng tạo cho ngành rau quả (do WASI chủ trì) và các chuyên gia khác hỗ trợ ngành trái cây phát triển đối với các tỉnh nhằm phát triển nông nghiệp bền vững (Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum); Đề xuất cuộc họp tiếp theo về quan hệ đối tác đổi mới tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2025; Hội thảo về hệ thống chứng nhận và truy xuất nguồn gốc cũng như các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu.
Kim Bảo
- Công bố xã Cư Êbur , TP. Buôn Ma Thuột đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (23/11/2024, 17:17)
- Công bố xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (21/11/2024, 14:05)
- Công bố xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (20/11/2024, 11:29)
- Phát triển ngành hàng yến sào Đắk Lắk bền vững (12/11/2024, 15:15)
- Nâng cao nhận thức bảo hộ giống cây trồng khu vực Tây Nguyên (29/10/2024, 15:30)
- Đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024 (23/10/2024, 19:00)
- Mời tham gia Hội chợ Công Thương và sản phẩm OCOP - Đắk Lắk năm 2024 tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (14/10/2024, 21:00)
- Huyện Krông Búk khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại chợ mới Pơng Drang (11/10/2024, 14:01)
- Khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 tại huyện Lắk (09/10/2024, 21:00)
- Đắk Lắk có 12 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (08/10/2024, 15:23)
- Đẩy mạnh công tác truyền thông về mục tiêu, quan điểm và cách thức triển khai Đề án OCOP (19/09/2024, 14:00)
Video Nông thôn mới