Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau 4 tháng triển khai mô hình canh tác lúa xanh giảm phát thải tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana đã có nhiều kết quả tích cực. Thời gian đến, nông dân trồng lúa Đắk Lắk có thể tăng thêm thu nhập nhờ bán tín chỉ Carbon từ diện tích lúa canh tác này.
Mặc dù không được tham gia vào đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp của Chính phủ triển khai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng Đắk Lắk vẫn mong muốn chuyển đổi sản xuất lúa nước tại địa phương theo hướng xanh và giảm phát thải, tạo thêm giá trị gia tăng từ việc bán tín chỉ carbon.
Cán bộ khuyến nông cùng nhiều nông dân tham quan mô hình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ của hộ ông Lê Như Hùng ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Giải pháp canh tác lúa được áp dụng theo quy trình canh tác lúa ướt khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế IRRI trên diện tích 42 hecta. Năng suất dự kiến đạt 11 tấn/hecta.
Ông Lê Như Hùng ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) là một trong những nông dân đầu tiên tham gia thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa xanh giảm phát thải. Gia đình ông vừa thu hoạch được gần 45 tấn lúa trên diện tích 4 ha sau 3 tháng gieo trồng.
Nhờ áp dụng quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ và bón phân theo quy trình phù hợp, vụ lúa này ông Hùng giảm được một nửa lượng nước tưới và giảm 15% chi phí, nhưng năng suất tăng 2 tấn so với canh tác lúa thông thường. Đặc biệt, khi mô hình thành công còn góp phần bảo vệ môi trường, thêm thu nhập từ bán tín chỉ carbon.
"Tôi rất mong muốn các công ty và chính quyền địa phương nhân rộng mô hình này ra để bà con cùng sản xuất theo mô hình này. Nếu nhận được chứng chỉ carbon thì vừa có thêm thu nhập lại giảm phát thải khí nhà kính", ông Hùng vui vẻ cho biết.
Ruộng lúa 4 ha thí điểm canh tác lúa xanh giảm phát thải của ông Lê Như Hùng ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Theo người dân, không những năng suất tăng lên mà chi phí đã giảm khoảng 15% so với canh tác kiểu cũ. Đặc biệt khi áp dụng mô hình này, mỗi hecta sẽ tạo ra 3 tín chỉ Carbon, được thu mua với giá 20 USD/tín chỉ, như vậy là khoảng hơn 1,5 triệu đồng/hecta.
Đơn vị thu mua tín chỉ Carbon cho Đắk Lắk là thành viên của Công ty Netzero Carbon Thái Lan. Sau khi làm việc trực tiếp với địa phương, công ty cam kết chỉ cần ra báo cáo giảm phát thải là mua ngay mà không cần có đơn vị thứ ba cấp tín chỉ.
Hiện tại, thị trường quan trọng nhất là Châu Âu chưa công nhận bất kỳ tín chỉ của tổ chức nào nhưng báo cáo giảm phát thải được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn và quy định của Liên hợp quốc. Dự kiến, vụ hè thu tỉnh Đắk Lắk sẽ nhân rộng mô hình này .
Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, hằng năm toàn tỉnh sản xuất lúa ổn định trên 100.000 ha, sản lượng ước đạt 800.000 tấn/năm. Việc thực hiện thí điểm thành công mô hình canh tác lúa xanh giảm phát thải tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana là cơ sở quan trọng để Đắk Lắk phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng tầm mặt hàng này trở thành thế mạnh của tỉnh.
"Sở sẽ phối hợp với các huyện có vùng lúa trọng điểm rà soát lại đăng ký danh sách, có thể triển khai vụ mùa sắp tới. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bài bản và có sự tham gia tự nguyện của các huyện và đặc biệt là của người dân. Điều này rất tốt, bởi người nông dân tham gia sản xuất vừa tăng năng xuất, chất lượng được nâng lên và có thể thu được khoản kinh phí từ bán tín chỉ carbon", ông Hiển cho biết.
Kim Bảo
- Công bố xã Cư Êbur , TP. Buôn Ma Thuột đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (23/11/2024, 17:17)
- Công bố xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (21/11/2024, 14:05)
- Công bố xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (20/11/2024, 11:29)
- Phát triển ngành hàng yến sào Đắk Lắk bền vững (12/11/2024, 15:15)
- Nâng cao nhận thức bảo hộ giống cây trồng khu vực Tây Nguyên (29/10/2024, 15:30)
- Đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024 (23/10/2024, 19:00)
- Mời tham gia Hội chợ Công Thương và sản phẩm OCOP - Đắk Lắk năm 2024 tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (14/10/2024, 21:00)
- Huyện Krông Búk khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại chợ mới Pơng Drang (11/10/2024, 14:01)
- Khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 tại huyện Lắk (09/10/2024, 21:00)
- Đắk Lắk có 12 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (08/10/2024, 15:23)
- Đẩy mạnh công tác truyền thông về mục tiêu, quan điểm và cách thức triển khai Đề án OCOP (19/09/2024, 14:00)
Video Nông thôn mới