Thông cáo báo chí về việc tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp và Đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên

Ban Tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp và Đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên vừa ban hành Thông cáo báo chí số 73/TCBC-BTC về việc tổ chức Hội nghị.

Phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk

Sáng 07/3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024) và khởi động Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử 120 năm hình thành, phát triển tỉnh Đắk Lắk”.

Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam (09/08/2017, 08:25)

Với mục tiêu tổng quát là xây dựng ASEAN trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác rộng mở với bên ngoài, hoạt động theo luật lệ và hướng tới người dân, qua 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ đóng góp vào sự phát triển, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Quá trình hình thành

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 với 5 thành viên ban đầu, phát triển dần thành một tổ chức hợp tác toàn diện, bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á và đã chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015. Để xây dựng Cộng đồng ASEAN, các Lãnh đạo (tháng 1/2009) đã thông qua Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015) cùng các kế hoạch triển khai trên 3 trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, với hơn 800 biện pháp, hoạt động cụ thể; tiếp đó là Kế hoạch về Kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển. Các Lãnh đạo cũng ký Hiến chương ASEAN (ký tháng 11/2007 và có hiệu lực tháng 12/2008) để tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho xây dựng Cộng đồng.

Hội nghị cấp cao ASEAN 26 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia. (ảnh: Bộ Ngoại giao)

Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN (AC) là xây dựng ASEAN đến năm 2015 trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác rộng mở với bên ngoài; hoạt động theo luật lệ và hướng tới người dân. Ngoài ra, ASEAN cũng hướng tới mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác và giữ vai trò trung tâm ở khu vực thông qua nhiều khuôn khổ (ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF và ADMM+); và được lồng ghép vào hoạt động của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.

Cộng đồng ASEAN có 3 đặc trưng chính sau: là một tổ chức liên Chính phủ, bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia thành viên, ra quyết định theo nguyên tắc nhất trí , có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau; hợp tác toàn diện và chặt chẽ trên các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội và quan hệ với các đối tác bên ngoài; có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, hoạt động trên cơ sở pháp lý và các nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN.

Sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hiệp hội và khu vực cũng như từng nước thành viên. ASEAN đã và sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng đối với hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển ở khu vực; mang lại những lợi ích quan trọng và thiết thực cho từng nước thành viên, nhất là tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.  ASEAN đóng vai trò là động lực chính trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực ở Đông Á, nhất là về kinh tế - thương mại, thông qua cơ chế và khuôn khổ khác nhau ở khu vực. Cùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp hội đã chủ động đi đầu trong việc hình thành một mạng lưới các Khu vực mậu dịch tự do (FTA) với từng đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôx-trây-lia và Niu Di-lân; thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác kinh tế-thương mại đa dạng với các đối tác lớn như Mỹ, Canađa, EU, Nga; và đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Một sự kiện của ASEAN được tổ chức tại Hà Nội năm 2010.

ASEAN đã trở thành đối tác quan trọng của nhiều nước và tổ chức khu vực, quốc tế, nhất là với 11 đối tác Đối thoại, trong đó là đối tác chiến lược với 7 nước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôt-xtrây-lia, Niu Di-lân và Mỹ) và đối tác toàn diện với 4 đối tác còn lại (Nga, EU, Canada và Liên Hợp Quốc). Các đối tác đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực. Đến nay đã có 87 nước ngoài khu vực cử Đại sứ tại ASEAN, trong đó 10/11 đối tác Đối thoại đã lập Phái đoàn đại diện tại ASEAN. ASEAN cũng đã lập 52 Ủy ban ASEAN tại nước thứ 3 và tổ chức quốc tế để thúc đẩy hợp tác các vấn đề ASEAN quan tâm cũng như quảng bá hình ảnh ASEAN ra với cộng đồng quốc tế.

Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và khu vực, nhất là các nhân tố tác động đến triển vọng phát triển của ASEAN, mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cũng như lợi ích quốc gia và tính toán chiến lược của các nước thành viên, có thể dự báo khả năng hiện thực nhất là Cộng đồng ASEAN sẽ vẫn là một tổ chức liên Chính phủ, nhưng mức độ liên kết sẽ sâu rộng hơn và ràng buộc hơn về pháp lý, có vai trò quan trọng hơn ở khu vực Đông Á. Mức độ liên kết trong từng trụ cột Cộng đồng sẽ tiến triển không đều nhau, trong đó liên kết kinh tế sẽ đi nhanh hơn cả vì phù hợp với nhu cầu chung của các nước thành viên và xu thế của tình hình khu vực và quốc tế; liên kết chính trị - an ninh sẽ phát triển từng bước, tiệm tiến trên cơ sở nâng dần mẫu số chung về lợi ích do tính phức tạp và nhạy cảm của lĩnh vực này; liên kết về xã hội – văn hoá cũng tiến triển dần và tùy thuộc nhiều vào mức độ nguổn lực có thể huy động được.

Sự tham gia của Việt Nam

Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) ở  Brunei. Tuy nhiên, quá trình Việt Nam  tham gia ASEAN đã được khởi động từ trước đó, cụ thể là: tháng 7/1992 tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN; từ năm 1993 họp tham vấn thường xuyên với ASEAN nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hàng năm, tham gia các chương trình và dự án hợp tác ASEAN trên 5 lĩnh vực: khoa học-công nghệ, môi trường, y tế, văn hoá-thông tin, phát triển xã hội; năm 1994 trở thành một trong những thành viên ban đầu của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), một diễn đàn khu vực đầu tiên bàn về các vấn đề chính trị-an ninh do ASEAN giữ vai trò chủ đạo.

Lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei. Ảnh: TTXVN.

Quyết định gia nhập ASEAN là quyết sách chiến lược của Đảng và Nhà nước ta; là bước đi đầu tiên mang tính đột phá của tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam. Trong hơn 20 năm tham gia hợp tác ASEAN với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển và thành công của Hiệp hội. Ngay sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma vào ASEAN, hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á, tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với ASEAN và tình hình khu vực.

Việt Nam đã đóng vai trò nòng cốt trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN, như Tầm nhìn 2020 và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và nhiều thỏa thuận quan trọng khác, trong đó có kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển. Chúng ta cũng đã tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực. Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt trách nhiệm của một nước thành viên qua việc làm Chủ tịch ASEAN và đăng cai nhiều Hội nghị lớn. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998) với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội và vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực khi đó.  Tiếp đó, các Bộ, ngành liên quan cũng như Quốc hội và các tổ chức nhân dân cũng đã chủ trì đăng cai tổ chức thành công nhiều Hội nghị/hoạt động quan trọng của ASEAN ở các cấp và các lĩnh vực khác nhau, góp phần đẩy mạnh hợp tác ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 với những kết quả to lớn và thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hoá một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 cũng như nâng cao vai trò của ASEAN.

Quá trình hơn 20 năm tham gia ASEAN đã mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng và thiết thực, mà bao trùm là có được môi trường hòa bình và ổn định thuận lợi cho an ninh và phát triển của đất nước, hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Định hướng Việt Nam tham gia ASEAN trong thời gian tới.

ASEAN (cả hợp tác đa phương và quan hệ song phương) có ý nghĩa chiến lược vì nó liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta; là địa bàn phù hợp với thế và lực của Việt Nam, là nhân tố quan trọng để Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. (ASEAN là một trụ cột và là một ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam).

 - Ta có lợi ích cơ bản trong việc xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết, thống nhất và có vai trò quan trọng ở khu vực. Do vậy, ta sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp để làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, thực chất với các nước ASEAN cả về đa phương và song phương.

- Mục tiêu bao trùm của ta tham gia ASEAN là góp phần tạo dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác thuận lợi hơn nữa để hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo thuận lợi cho triển khai chủ trương hội nhập quốc tế và đẩy mạnh quan hệ với các đối tác bên ngoài, nhất là với các nước lớn.

Hợp tác an ninh quốc phòng giữa các nước ASEAN. Ảnh: TTXVN.

- Ta tiếp tục tham gia ASEAN với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, nhưng cần phát huy vai trò lớn hơn, đóng vai trò nòng cốt, đi đầu trong những vấn đề mà ta có lợi ích trực tiếp và có thế mạnh, đề xuất nhiều sáng kiến và dự án khả thi; kiên trì các vấn đề nguyên tắc nhưng cần linh hoạt về biện pháp và cách thức tiến hành để bảo đảm đồng thuận ASEAN.

- Ta cần có sự chuẩn bị tốt hơn về mặt nội bộ, nhất là nâng cao nhận thức về ASEAN cũng như tầm quan trọng của việc Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN để có sự quan tâm và đầu tư nguồn lực thích đáng; chủ động đề xuất các sáng kiến, dự án có giá trị và khả thi; tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN; thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định trong nước để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết của ASEAN./.

T.S

Bình chọn
Khu vực bạn ở như thế nào?
Quảng Cáo
   

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready