Những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH năm 2016 (15/01/2016, 07:16)

Chính phủ vừa ban hành  Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Ảnh minh họa

Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2016 như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 76%..
Điều hành tỷ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô
Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, cá nhân liên quan nỗ lực tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, pháp luật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương liên quan và các địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Bên cạnh đó, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài...).
Tiếp tục thực hiện quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; tăng cường việc kiểm soát ngoại tệ và vàng trong lãnh thổ; tiếp tục cải thiện quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến thị trường ngoại hối, tiền tệ trong nước.
Chính sách tài khoá chủ động, chặt chẽ
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Nghị quyết Quốc hội, trong điều hành phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được thực hiện theo dự toán.
Tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỉ trọng thu nội địa. Không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế. Để phù hợp với quy định về phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, từ năm 2016 khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) tiêu thụ trong nước là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%. Theo dõi các diễn biến và chủ động xây dựng các phương án bảo đảm cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2016 trong trường hợp giá dầu có biến động lớn so với giá dự toán. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; kiên quyết xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.
Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt chẽ Quỹ tích lũy trả nợ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ; tập trung cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm; đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại; tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp; ban hành và triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thiết lập hệ thống các nhà tạo lập thị trường trái phiếu thông qua cơ chế cho vay trái phiếu Chính phủ.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường và sử dụng một phần số tiền thu này cho đầu tư phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nâng cao năng lực dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô để chủ động đề xuất các chính sách phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế. Theo dõi diễn biến tình hình biến động giá dầu thô, sản lượng khai thác; đánh giá các tác động ảnh hưởng của biến động giá dầu thô đến tăng trưởng, đầu tư, lạm phát và đề xuất giải pháp ứng phó.
Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền. Áp dụng phổ biến hình thức hội nghị, hội thảo trực tuyến để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Không đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, chế độ mới hoặc tăng định mức chi dẫn đến tăng chi ngân sách nhà nước mà không có nguồn đảm bảo.
Dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đến ngày 30/6/2016 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật và trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tổ chức tốt việc phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 theo tinh thần triệt để tiết kiệm. 
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực
Đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực đầu tư công, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Trong đó, các cấp, các ngành, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tiếp tục hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án cơ cấu lại ngành, lĩnh vực và của địa phương (chưa được phê duyệt) chậm nhất là cuối quý II năm 2016. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện trong quý III năm 2016.
Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương kiểm soát chặt chẽ về mục tiêu, hiệu quả đầu tư và những tác động đến kinh tế vĩ mô của vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và các khoản vốn vay khác của nhà nước. Tập trung vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách, có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Khuyến khích huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để bổ sung nguồn vốn của Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, bằng các hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), đầu tư trực tiếp nước ngoài, liên doanh, liên kết...
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương: Tập trung thực hiện Luật Xây dựng; nâng cao năng lực các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên môn về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng; sắp xếp lại các ban quản lý dự án theo quy định; đánh giá lại năng lực các nhà thầu (quy hoạch, thiết kế, thi công, giám sát). Từ đó kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng, góp phần khắc phục thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình xây dựng.
Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Trong khâu chuẩn bị đầu tư cần chú trọng việc lập báo cáo đề xuất, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư; bố trí đủ vốn để chuẩn bị đầu tư dự án do cấp mình quản lý. Tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu để có giải pháp củng cố, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát hoạt động tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước.
 Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tiếp tục thực hiện triển khai các Nghị quyết Trung ương về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp.
Tập trung triển khai phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động xây dựng phương án và tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần, vốn góp; rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần trình Thủ tướng Chính phủ hoặc báo cáo Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện đối với các tổ chức tín dụng (bao gồm cả các tổ chức tín dụng yếu kém), trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy kiểm soát, kiểm toán nội bộ; từng bước cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, hiệu quả, giảm thiểu các hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro; tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, cho phép áp dụng các biện pháp mạnh bao gồm cả biện pháp can thiệp của Nhà nước. Tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại theo nguyên tắc tự nguyện giữa các tổ chức tín dụng; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nước ngoài có năng lực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng Việt Nam. Kiểm soát và xử lý hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, cổ đông lớn chi phối; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả, đặc biệt các ngành, lĩnh vực phi tài chính.
Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì tổ chức nghiên cứu, dự báo tình hình thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và thông báo, phổ biến, hướng dẫn các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để định hướng, tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, kịp thời chuẩn bị, ứng phó với những biến động của thị trường; tăng cường các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Khai thác tốt những thị trường hiện có, mở rộng những thị trường tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu; không để quá phụ thuộc vào một thị trường. Có kế hoạch, giải pháp cụ thể cải thiện sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với một số thị trường có nhập siêu lớn, phấn đấu cân bằng thương mại bền vững. Nâng cao năng lực các cơ quan liên quan và vận dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại theo quy định của WTO nhằm hạn chế nhập siêu, bảo vệ sản xuất trong nước.
Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những mặt hàng nhập khẩu gia tăng đột biến để làm rõ nguyên nhân, chủ động triển khai những giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát bảo đảm nhập khẩu đúng quy định và bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế. Nâng cao việc kiểm soát chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nông sản, hàng tiêu dùng.
Tăng cường quản lý thuốc, vắc xin, sinh phẩm
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương tăng cường quản lý thuốc, vắc xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế, đảm bảo cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng và giá cả hợp lý phục vụ cho nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân nhân. Rà soát, ban hành các quy định về đấu thầu, mua thuốc tập trung; thành lập đơn vị mua sắm tập trung để đấu thầu cấp quốc gia và đàm phán giá; đẩy mạnh đấu thầu tập trung cấp địa phương theo nhiệm vụ được giao trong Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn năng lực và nhu cầu sử dụng của hệ thống y tế. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
 Trên cơ sở kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình trong giai đoạn vừa qua và điều kiện hiện tại xác định mục tiêu, giải pháp phát triển dân số bền vững, bảo đảm tỉ lệ sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước
Bộ Nội vụ, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tăng cường triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 -2020. Tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội, chấp hành luật pháp. Triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Công bố công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Đổi mới mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo hướng tập trung, trực tiếp giải quyết công việc, có sự giám sát chặt chẽ của cấp có thẩm quyền, sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức liên quan; thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, nghiên cứu, đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; nhân rộng mô hình hay, cách làm mới trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên phạm vi toàn quốc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công; tập trung xây dựng, mở rộng và nâng cấp 6 cơ sở dữ liệu quốc gia cần được ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; tăng cường áp dụng đấu thầu qua mạng; triển khai thiết lập và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền. Tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, trong đó tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/ 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử trong các Bộ, cơ quan, địa phương. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Quản lý chặt chẽ biên chế cán bộ, công chức, viên chức
Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương quản lý chặt chẽ biên chế cán bộ, công chức, viên chức; không tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2016, kể cả trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới. Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh; lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh... thì có thể bổ sung biên chế phù hợp, nhưng phải quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật về quản lý biên chế.
Tập trung rà soát, sửa đổi và bãi bỏ các quy định về tổ chức, bộ máy và biên chế trong các văn bản pháp luật hiện hành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Đơn giản hóa tổ chức bộ máy hành chính; không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn.
Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách về tự chủ trong các ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trên cơ sở đó tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy, giảm biên chế, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ công, bảo đảm hiệu quả các hoạt động sự nghiệp công.
 Thực hiện cơ chế thị trường, nghiên cứu và tiếp tục thực hiện tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước. Tiếp tục triển khai cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công theo hướng đổi mới cơ chế hoạt động gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy mạnh việc chuyển từ phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công sang cơ chế đặt hàng.
Thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng
Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan Trung ương,  địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm túc việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng để làm cơ sở thực tiễn sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về phòng, chống tham nhũng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình; bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để tố cáo sai sự thật.
Thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa tham nhũng, nhất là về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập. Tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm công vụ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản do tham nhũng. Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, nhất là trong các cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật; các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu vi phạm pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra.


Theo chinhphu.vn

Các tin khác
Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready