Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông giai đoạn 2010-2015 (04/01/2016, 12:41)

Sáng 30/12, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông giai đoạn 2010 - 2015. Tham dự Hội nghị có ông Phạm Đăng Khoa – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trong toàn tỉnh.

 


Các đại biểu tham dự Hội nghị

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, quy mô trường, lớp dạy tiếng Êđê ở các cấp học tăng đáng kể. Đến năm học 2014-2015, toàn ngành có 987 trường, 16.613 lớp với 447.028 học sinh (trong đó có 156.354 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm 34,98%). So với  năm học 2010 – 2011 tăng 75 trường, 1.326 lớp. Đối với bậc tiểu học, có 105 trường tiểu học, với 597 lớp, 11.963 học sinh, 86 giáo viên, tăng 29 trường, 100 lớp, 911 học sinh và 58 giáo viên so với năm học 2010-2011; bậc trung học cơ sở có 13 trường dạy tiếng Êđê, với 38 lớp, 1.378 học sinh và 13 giáo viên. Việc học tiếng Êđê đã mang lại tác dụng tích cực, góp phần duy trì sĩ số và hỗ trợ học các môn  học khác tốt hơn. Cụ thể, năm học 2014- 2015, bậc tiểu học tỷ lệ học sinh học tiếng Êđê hoàn thành chiếm 97,65%; bậc trung học cơ sở tỷ lệ học tiếng Êđê đạt học lực Giỏi chiếm 14,3%, học lực Khá chiếm 39,3%. Thời gian qua, để Đề án đạt kết quả, Sở Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn bộ sách tiếng Êđê cấp tiểu học thay thế sách thực nghiệm; biên soạn, in ấn các bộ tài liệu: sách bài tập, vở tập viết tiếng Êđê. Nội dung sách giáo khoa, các bộ tài liệu được biên soạn công phu, khoa học, bảo đảm tính tư tưởng, tính sư phạm, tính giáo dục.
 

Ông Phạm Đăng Khoa – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Hội nghị

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy tiếng Êđê, từ khi triển khai Đề án Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 5 lớp tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng dân tộc cho đối tượng cán bộ phụ trách và giáo viên với 224 người tham gia. Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo kết hợp với trường Cao đẳng sư phạm tổ chức đào tạo tiếng Êđê theo hình thức cử tuyển với số lượng khoảng 52 học viên, đối tượng tuyển sinh là giáo viên người Êđê đang công tác tại các trường Tiểu học ở vùng có đông học sinh dân tộc Êđê. Qua khóa đào tạo, tất cả các học viên đều nắm được cơ bản về tiếng nói, chữ viết Êđê và vận dụng thành thạo phương pháp dạy học tiếng Êđê. Nguồn giáo viên này đã được các địa phương tuyển dụng vào công tác dạy học, góp phần nâng cao chất lượng dạy tiếng Êđê cho tỉnh.
 

Các đại biểu tham khảo tài liệu giảng dạy tiếng Êđê tại Hội nghị

Tham luận của các Phòng Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị cho thấy, mặc dù so với chỉ tiêu Đề án, việc phát triển quy mô trường, lớp dạy tiếng Êđê ở cấp tiểu học đã vượt mức chỉ tiêu đề ra là 5% nhưng so với nhu cầu thực tế các trường vùng đồng bào dân tộc Êđê có nhu cầu triển khai dạy tiếng Êđê vẫn còn 40/145 trường chưa được triển khai, chiếm tỷ lệ 27,6%. Nguyên nhân là do một số địa phương còn khó khăn nên chưa đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trường, lớp bố trí tiết dạy theo chương trình môn tiếng Êđê. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất là chưa có bộ sách giáo khoa chính thức dành cho bậc trung học cơ sở, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Êđê được đào tạo đúng chuyên môn vẫn còn thiếu. Việc thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên dạy tiếng dân tộc vẫn còn hạn chế. Một số đơn vị phải hợp đồng giáo viên dạy tiếng Êđê trả lương cho giáo viên bằng quỹ thường xuyên chung của nhà trường. Hiện tại vẫn chưa có đơn vị đào tạo giáo viên nào có mã ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng Êđê nên công tác đào tạo vẫn gặp khó về vấn đề tuyển sinh, giáo trình đào tạo và cấp văn bằng,…
 

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen cho các cá nhân và tập thể tại Hội nghị

Nhân dịp này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tặng Giấy khen cho 5 cá nhân và 7 tập thể có thành tích xuất sắc đóng góp cho việc triển khai Đề án dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông giai đoạn 2010-2015.

 

 

Kim Bảo 

Các tin khác
Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

​​​

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready