Ngày 26/2, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk và Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng (CHD) phối hợp tổ chức tổng kết Dự án “Tăng cường năng lực truyền thông thay đổi hành vi và sức khỏe sinh sản cho vị thành niên nhằm giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số” tại huyện Krông Bông.
Các đơn vị trên địa bàn tham gia tập huấn kỹ năng tham gia Dự án
Dưới sự tài trợ của Quỹ Canada cho các sáng kiến địa phương (CFLI)- Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, ngày 26/10/2022, dự án “Tăng cường năng lực truyền thông thay đổi hành vi và sức khỏe sinh sản cho vị thành niên nhằm giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số” do Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD) xây dựng đã chính thức được phê duyệt và ký thỏa thuận tài trợ để triển khai tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk từ tháng 11/2022 - tháng 04/2023.
Ông Vương Hữu Nhi- Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk phát biểu
Dự án được Trung tâm CHD triển khai với sự hợp tác chặt chẽ của Liên Hiệp Hội Khoa Học Kỹ Thuật tỉnh Đắk Lắk, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh của 07 điểm trường (THCS DTNT Krông Bông, THPT Krông Bông, THCS Nguyễn Viết Xuân, THCS Giang Mao, THPT Trần Hưng Đạo, THCS Cư Drăm, THCS Cư Pui), các Cán bộ nhóm CMAT thuộc dự án Sốt rét; huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết và sinh con ở tuổi vị thành niên thông qua việc nâng cao năng lực, tăng cường sự tham gia của nữ thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (DTTS), giáo viên, phụ huynh học sinh tại trường học/trường nội trú DTTS, mạng lưới thành viên nhóm cộng đồng phòng chống sốt rét (CMAT) tại các xã dự án thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
Chuyên gia báo cáo kết quả khảo sát và đánh giá quá trình triển khai dự án.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Dự án đã thực hiện khảo sát hiện trạng về kiến thức, thái độ của cha mẹ, thanh thiếu niên, người dân trong cộng đồng ; khảo sát các cơ sở dịch vụ sức khỏe và các tài liệu, các sản phẩm truyền thông; họp báo cáo, chia sẻ kết quả đánh giá ban đầu cho lãnh đạo và các sở, ngành liên quan để xây dựng hoạt động can thiệp, tác động thay đổi; Tập huấn kỹ năng cho nhóm nòng cốt: Giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, cộng tác viên y tế; xây dựng tài liệu truyền thông và tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp với truyền thống và văn hóa dân tộc; hỗ trợ kỹ năng tư vấn học đường nhằm giải đáp thắc mắc, thảo luận về các giải pháp về vấn đề sức khỏe, An toàn tình dục, phòng tránh thai, mang thai ngoài ý muốn, cưỡng ép kết hôn …
Dự án sẽ góp phần không nhỏ trong việc chung tay đẩy lùi vấn nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
Kết quả đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy: Tại tỉnh, huyện, các sở/ban/ngành và 07 điểm trường đã có kế hoạch hoặc triển khai một số hoạt động về phòng, chống Tảo hôn, kết hôn cận huyết thực hiện theo “Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025” nhưng hầu hết là truyền thông gián tiếp và chưa tập trung đến đối tượng đích - Cha mẹ học sinh và học sinh trong độ tuổi vị thành niên.
Tại 03 xã Yang Mao, Cư Drăm và Cư Pui với 04 điểm trường THCS Giang Mao, THPT Trần Hưng Đạo, THCS Cư Drăm, THCS Cư Pui vẫn còn nhiều học sinh bỏ học để tảo hôn do những quan niệm, tập tục truyền thống cần người lao động, lo sợ bị ế chồng hoặc nếu con trai ra ngoài học hành sẽ yêu và cưới dân tộc khác - ảnh hưởng đến việc bảo tồn nòi giống. Các ý kiến của thầy cô giáo, phụ huynh học sinh, cán bộ y tế buôn/bản cho thấy, tảo hôn thường xảy ra với dân tộc H’Mông, nhưng kết hôn cận huyết là của người Ê đê vì chế độ mẫu hệ.
Theo số liệu khảo sát của CHD cho biết, trên địa bàn huyện Krông Bông, thực trạng tổng số vụ tảo hôn từ giai đoạn 2015 - 2020, tổng 286 vụ tảo hôn. Số vụ vợ hoặc chồng tảo hôn chưa đủ tuổi chiếm 203 vụ. Vợ và chồng cùng tảo hôn là 83 vụ, chủ yếu là dân đồng bào di cư tự do chiếm đa số. Số vụ hôn nhân cận huyết thống có 03 cặp (chế độ mẫu hệ), chủ yếu là Ê đê và M’nông. Tại 07 xã nêu trên đều có.
Mỗi năm có khoảng 30 học sinh bỏ học trong đó bình quân 02 học sinh tảo hôn và thường gặp ở học sinh lớp 8,9. Phát hiện ra tảo hôn là do học sinh bỏ học, giáo viên và nhà trường đến thăm gia đình mặc dù có động viên tiếp tục đi học nhưng đa số không hiệu quả.
Tình trạng tảo hôn vẫn còn và có xu hướng gia tăng, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra ở một số buôn/ thôn xa. Nhận thức, thái độ của học sinh về SKSS đã được cải thiện, nâng cao. Vẫn còn 20% tỷ lệ HS chưa biết về tảo hôn, tỷ lệ Nam chưa biết cao hơn Nữ tương đương 20% và 13%, chưa biết về kết hôn cận huyết thống Nam và Nữ là 17,5% và 10 %. Lý do tảo hôn chủ yếu do có thai chiếm tỷ lệ cao nhất, thứ hai là do gia đình ép buộc , ở Nam giới là 57,1 %.
Sau khi tham gia dự án, một số trường đã triển khai sáng kiến truyền thông sinh động như : Ngày hội truyền thông ; Triển lãm tranh ; Thi Rung Chuông vàng ; Câu Lạc bộ Phát thanh ; Hội thi tuyên truyền…
Tại trường học đã triển khai các chương trình lồng ghép ngoại khoá các môn học (sinh học, giáo dục công dân, giáo dục thể chất, sinh hoạt dưới cờ). Nội dung giảng dạy còn chung chung, chủ yếu lý thuyết, thiếu thực hành. Chưa có chương trình riêng nào về phòng, chống kết hôn cận huyết, tảo hôn.
Phía chuyên gia dự án đưa ra các khuyến nghị, cần có báo cáo nghiên cứu đánh giá trên toàn tỉnh về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để thiết kế chiến lược can thiệp tổng thể, phù hợp liên ngành. Tăng cường thực thi Luật Hôn nhân và gia đình, các cấp Chính quyền địa phương phối hợp với các ban ngành TT YT, Hội Phụ Nữ và cộng đồng cần tăng cường vai trò thực thi và giám sát tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Tăng cường năng lực và sự tham gia của học sinh nữ, phụ huynh, người chăm sóc trẻ trong các hoạt động phòng chống tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, tuyên truyền tại trường học và cộng đồng. Cần có sự chỉ đạo thường xuyên bằng các văn bản, cùng với các tài liệu hướng dẫn với các trường để triển khai đồng bộ, liên tục trên toàn huyện.
Kim Bảo
- Xử lý 3 đối tượng mua bán, sử dụng súng trái phép (10/07/2025, 17:02)
- Ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do bệnh dại tại xã Ea Tul, tỉnh Đắk Lắk (10/07/2025, 14:33)
- Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy (10/07/2025, 14:17)
- Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và công tác văn thư, lưu trữ (10/07/2025, 11:24)
- Ra quân Đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền 2 cấp tỉnh Đắk Lắk (08/07/2025, 08:37)
- Sở Công Thương công bố các quyết định về công tác cán bộ (07/07/2025, 17:30)
- Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk tập trung kiện toàn bộ máy, đa dạng sản phẩm và liên kết phát triển (06/07/2025, 14:00)
- Tăng cường quản lý giá vật liệu xây dựng để bình ổn thị trường (05/07/2025, 08:18)
- Cảnh báo xả tràn hồ thủy điện Buôn Kuốp và Srêpốk 3 lần đầu tiên (04/07/2025, 21:00)
- Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới (04/07/2025, 15:21)
- Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo phòng chức năng và các đơn vị sự nghiệp (04/07/2025, 13:30)