Đắk Lắk phát hiện di chỉ khảo cổ “công xưởng chế tạo mũi khoan” hơn 3.000 năm (14/05/2021, 08:59)

 

Ngày 12/5, Bảo tàng Đắk Lắk cho biết các nhà khoa học đã khai quật phát hiện một di chỉ khảo cổ lớn, có niên đại hơn 3.000 năm tại thôn 6, xã Ia J’lơi, huyện Ea Súp là công xưởng chế tạo công cụ mũi khoan lớn nhất của người Việt cổ từ trước tới nay.

Khai quật hiện vật tại địa bàn huyện Ea Súp-Ảnh: BT

Tiêu bản mũi khoan- Ảnh : Bảo tàng cung cấp

Đây là phát hiện mới và rất quan trọng của khảo cổ học Việt Nam. Đợt khai quật lần này là sự kết hợp giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Đắk Lắk, kéo dài từ ngày 28-3 đến 29-4 tại di chỉ khảo cổ học Thác Hai (xã Ia J’lơi, Ea Súp).

Các nhà khoa học giới thiệu về các hiện vật vừa thu thập được - Ảnh: BT cung cấp

Từ kết quả ban đầu, các nhà khoa học nhận định đây là một di chỉ xưởng kết hợp cư trú và mộ táng với hàng nghìn tiêu bản mũi khoan và phác vật mũi khoan, các công cụ rìu, bôn.

Niên đại của di chỉ Thác Hai khoảng 3.000 năm. Ngoài ra, tầng văn hóa dày (2m) cho thấy giai đoạn cư trú khá dài, tính chất di chỉ khá ổn định.

Bình con tiện - Loại hình đồ gốm lần đầu tiên phát hiện tại Đắk Lắk

Ngoài ra, từ những hiện vật thu thập được, các nhà khoa học cũng cho rằng cư dân cổ ở Thác Hai là những người thợ thủ công có trình độ cao, với các sản phẩm rất tinh xảo.

Cụ thể, qua nghiên cứu cấu trúc một ngôi mộ, các nhà khoa học đưa ra nhận định đây là người thợ trực tiếp chế tác công cụ như rìu, bôn, mũi khoan.

Trong ngôi mộ còn tìm thấy những đồ tùy táng như bình gốm, chày đập, hòn ghè, rìu tứ giác và mũi khoan được xếp gọn gàng dưới đáy mộ. Ngoài các ngôi mộ đã xuất lộ trong hố đào, trong phạm vi di chỉ còn nhiều ngôi mộ khác có liên quan trực tiếp tới công xưởng chế tác này...

Cũng theo các nhà khoa học, đây là lần đầu tiên một công xưởng chế tác mũi khoan với quy mô lớn, chuyên môn hóa cao, trình độ kỹ thuật tinh xảo được phát hiện tại VN nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Các nhà khoa học hai bảo tàng cho biết sẽ hoàn thiện hồ sơ khoa học, bảo quản hiện vật, bảo tồn di chỉ...

Ở Việt Nam, loại di chỉ công xưởng chế tác mũi khoan không nhiều, chỉ mới xác định được ở các di chỉ như Bãi Tự (Bắc Ninh), Tràng Kênh (Hải Phòng), Đầu Rằm, Ba Vũng (Quảng Ninh).

Tuy nhiên, những mũi khoan ở các di chỉ này chỉ được ghè, tu chỉnh, mài thô..., hiện vật tương đối to và thô, chủ yếu dùng để sử dụng trong kỹ thuật khoan tách lõi.

 

Trong khi đó, mũi khoan Thác Hai rất nhiều hiện vật được mài trau chuốt, đánh bóng toàn thân đạt đến mức độ hoàn mỹ, được sử dụng trong kỹ thuật khoan xuyên tâm để chế tạo đồ trang sức (hạt chuỗi...).

Hiện các chuyên gia đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bàn về các phương án bảo tồn di chỉ cũng như các chương trình nghiên cứu tiếp theo nhằm làm rõ hơn tầm quan trọng của phát hiện khảo cổ này trong thời gian tới.

 

Kim Bảo

Các tin khác
Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready