Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị tổng kết chương trình việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 – 2015 vừa được tổ chức ngày 17/12, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 105,27 ngàn người, trong đó việc làm tăng thêm 56 ngàn người; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 26,3 ngàn người, đạt 100,26% so với kế hoạch. Việc gia tăng lao động tham gia vào các thành phần kinh tế đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong 3 năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm mới cho số người bước vào độ tuổi lao động luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm đúng mức.
Hoạt động của Sàn giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ hằng tháng luôn thu hút đông đảo người lao động tham gia
Kể từ khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 81/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 về Chương trình việc làm và dạy nghề tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012-2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan thành lập Ban chỉ đạo các cấp đến tận xã, phường, tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đưa nội dung Nghị quyết và thông tin về dạy nghề, việc làm đến cấp cơ sở và người lao động. Tỉnh đã tiến hành rà soát, sắp xếp và kiện toàn lại mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn, giải thể những cơ sở dạy nghề không hiệu quả và thành lập trung tâm giới thiệu việc làm phục vụ cho công tác giải quyết việc làm. Đến nay toàn tỉnh hiện có 42 cơ sở dạy nghề (02 trường Cao đẳng nghề, 03 trường Trung cấp nghề, 37 Trung tâm dạy nghề) và cơ sở khác có dạy nghề. Với đa dạng các ngành nghề đào tạo ở ba cấp trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề, và các cơ sở dạy nghề thường xuyên dưới ba tháng...
Hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm được triển khai đồng bộ và rộng khắp. Tính đến cuối năm 2015, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk thực hiện giải ngân 95 tỷ đồng cho khoảng 5.000 hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn, góp phần tạo việc làm cho 5.160 lao động (bình quân mức cho vay 18,4 triệu đồng/lao động thu hút) đạt 147,43% kế hoạch Nghị quyết đề ra; vốn vay tập trung chủ yếu cho hộ gia đình vay để đầu tư trồng, chăm sóc cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm, đã góp phần từng bước giảm dần tỷ lệ người chưa có việc làm, tăng thời gian làm việc của người lao động; tỷ lệ hoàn trả vốn vay đúng hạn cao, tỷ lệ nợ quá hạn thấp. Ngoài hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk còn thực hiện nhiều chương trình cho vay khác như: cho vay hộ nghèo, cận nghèo, vay xuất khẩu lao động... Kết quả có hơn 123.500 đối tượng được vay vốn với doanh số là 2.108,4 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hành may công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên
Bên cạnh đó, với chủ trương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh hoạt động này. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu về các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh để phối hợp tư vấn, tuyển lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ đã tư vấn cho 770 lượt người có nhu cầu đi XKLĐ. Nhờ sự kết hợp giữa hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người lao động với nhiều hoạt động khác, đến nay toàn tỉnh có 3.333 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm bình quân có 660 người đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tập trung ở các thị trường: Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào,… Từ nguồn vốn được bố trí cho vay xuất khẩu lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân 3.412 triệu đồng cho 136 hộ được vay vốn, bình quân mỗi hộ vay được 25 triệu đồng; hoạt động cho vay vốn đã giúp cho người lao động trang trải được những chi phí ban đầu để đi làm việc ở nước ngoài, vì vậy đã thu hút được nhiều lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động dân tộc thiểu số tham gia. Bình quân hằng năm lượng ngoại tệ từ người đi xuất khẩu lao động gửi về cho gia đình khoảng 60 - 70 triệu đồng. Đây là nguồn vốn đáng kể giúp gia đình của người đi xuất khẩu lao động ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập tại địa phương.
Nhằm tạo cơ hội tiếp cận thông tin thị trường lao động cho người lao động, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo. Năm 2007 tỉnh đã tiến hành nâng cấp Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) với tổng vốn đầu tư 6,46 tỷ đồng thành Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL). Tháng 5/2010, Trung tâm đã đưa sàn giao dịch việc làm (GDVL) vào hoạt động và tổ chức phiên giao dịch định kỳ vào ngày 15 hàng tháng. Đến nay, vai trò của TTDVVL ngày càng được khẳng định, sàn GDVL đã dần trở thành địa chỉ tin cậy của người lao động và người sử dụng lao động cũng như các cơ sở đào tạo. Tính đến hết năm 2015, Trung tâm đã tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho gần 83.500 lượt người (trong đó tư vấn việc làm 71.000 lượt người); giới thiệu, cung ứng cho hơn 32.600 lượt người, 15.000 người có việc làm sau khi giới thiệu. Tổ chức 50 phiên giao dịch việc làm với hơn 520 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia, gần 27 ngàn lao động đến tham gia tìm việc làm, học nghề. Hoạt động của TTDVVL cũng gắn với nhu cầu thực tế, thể hiện bằng việc chuyển ngày hội việc làm từ tỉnh về huyện, tổ chức thêm ngày tuyển dụng tại các xã, cụm xã và điểm tư vấn đã tạo thuận lợi hơn cho nhiều lao động tiếp cận thông tin từ phía doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề. Đồng thời cũng giúp cho chính quyền địa phương và người dân hiểu rõ hơn về việc làm trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từ đó huy động được nhiều “kênh” tham gia giải quyết việc làm, người lao động năng động hơn trong tìm kiếm việc làm.
Thời gian tới, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, lao động qua đào tạo nghề đạt 45%. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 140 ngàn lao động, trong đó việc làm tăng thêm là 78,2 ngàn người; xuất khẩu lao động 3.500 người; hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ cho vay vốn giải quyết việc làm, góp phần tạo việc làm cho 5 ngàn lao động. Để đạt được mục tiêu như trên ngoài sự nỗ lực của ngành Lao động, Thương Binh và Xã hội, các ngành liên quan cần đầu tư nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng và nhân lực, đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về vị trí, vai trò, mục tiêu của công tác đào tạo nghề.
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 92 (07/09/2024, 08:13)
- Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại hai đơn vị thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk (06/09/2024, 19:36)
- Hội thảo giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn (06/09/2024, 14:00)
- Gặp mặt, tặng quà cho trẻ em mồ côi nhân dịp năm học mới 2024 – 2025 (05/09/2024, 22:41)
- Lễ khai giảng đầu tiên của Trường Tiểu học và THCS Vừ A Dính (05/09/2024, 16:31)
- Tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh (05/09/2024, 16:19)
- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung dự Lễ khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Huệ (05/09/2024, 13:38)
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn dự khai giảng với thầy trò trường huyện biên giới (05/09/2024, 13:26)
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh dự Lễ khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Lắk (05/09/2024, 11:53)
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (05/09/2024, 11:30)
- Bế mạc Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ 2 năm 2024 (02/09/2024, 23:27)