Giai đoạn 2016-2020 tập trung nguồn lực cho xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm. (02/02/2016, 10:45)

Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Mục tiêu trọng tâm của ngành Giao thông Vận tải là tranh thủ mọi nguồn vốn từ Trung ương, địa phương đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, hệ thống giao thông thiết yếu như: Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk và các tuyến Quốc lộ đã và đang được cải tạo mở rộng, nâng cấp, hoàn thiện. Giao thông đối nội đã kết nối thông suốt đến 100% trung tâm các xã trên toàn tỉnh, trong đó nhựa hoá và bê tông hoá đạt 95,5% đường tỉnh, 81% đường huyện và 42% đường xã….Quy hoạch phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua. Đây là quyết sách đúng đắn để ngành Giao thông Vận tải nỗ lực, tập trung nguồn lực cho xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trong tương lai.

Tranh thủ nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng

 Hệ thống giao thông đường bộ toàn tỉnh có tổng chiều dài 10.383,78 km. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, giai đoạn 2010 - 2015 tổng kinh phí đầu tư các tuyến đường tỉnh, huyện, xã và thôn buôn là hơn 3.200 tỷ đồng. Nhờ triển khai hiệu quả các nguồn vốn địa phương và Trung ương. Đến nay,  nhiều tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh được hoàn thành đưa vào sử dụng như:  Đường liên tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên (đoạn cầu Đắk Phú - Krông Năng), Cầu Km19 và cầu Đắk Tour,Tỉnh lộ 12, huyện Krông Bông; Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 8, đoạn Km16-Km30+500; Xây dựng mặt đường bê tông nhựa tỉnh lộ 1, lý trình Km38 - Km70, Đường giao thông liên huyện Ea H'leo-Ea Súp; cầu Krông Kma, huyện Krông Bông; cầu EaSúp (km63/TL1) ….

Nhiều công trình giao thông nông thôn được đầu tư, cải tạo hoàn thiện trong giai đoạn vừa qua.

Đối với công trình do Chính phủ, Bộ GTVT hỗ trợ đầu tư, tỉnh cũng đã quan tâm đến công tác xây dựng thêm tuyến đường đấu nối vào trung tâm và có kế hoạch đề xuất bảo trì thường xuyên, tạo đà cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế các vùng nơi tuyến đường đi qua. Thực tế đã chứng minh đối với tuyến đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk dài 125 km đi qua các huyện Ea H’Leo, Krông Búk, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột. Khi dự án đã hoàn thành dọc theo tuyến đường này đã và đang có nhiều dự án được các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện như: Dự án phong điện tại xã Ea Dlie Zang, huyện EaH’leo với công suất thiết kế 120 KW; Dự án khu liên hợp nông – công nghiệp xanh Phước Thành, tại xã Ea Sol, huyện  Ea H’leo; Dự án đầu tư khu đô thị phía Đông Nam đường Trần Hưng Đạo, Thị xã Buôn Hồ … góp phần đưa kinh tế Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đến gần hơn với các vùng, miền trong cả nước.

Đường Hồ Chí Minh qua đoạn Đắk Lắk

Bên cạnh đó, để góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tuyến trung tâm thành phố. Tỉnh đã đầu tư các tuyến đường tránh phía Đông, Tây thành phố; hoàn thiện và đưa vào sử dụng các Bến xe phía Nam, quy hoạch lại Bến xe thành phố Buôn Ma thuột đi các huyện trong tỉnh. Đối với lĩnh vực vận tải, nhờ cải thiện thủ tục hành chính, tỉnh cũng đã thu hút được các nhà đầu tư tham gia khai thác. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 57 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá và hành khách, trong đó 47 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách với 269 tuyến liên tỉnh và 10 tuyến nội tỉnh. Vận tải khách công cộng bằng xe buýt có 29 tuyến tới tất cả các huyện, thị xã, thành phố Buôn Ma Thuột và 6 huyện của tỉnh Đắk Nông với tổng số 251 xe, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân nhân, và giao thương nội, ngoại thành được thuận lợi. Theo nhận định của Bộ GTVT, thời gian qua Đắk Lắk cũng là một trong những tỉnh thực hiện tốt xã hội hoá trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ vận tải và công tác bảo trì đường bộ như: Các bến xe, các trung tâm đăng kiểm, vận tải công cộng bằng xe buýt, các đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ … đã góp phần giải phóng sức lao động, huy động nguồn lực xã hội cho đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Xác định giao thông là một tiêu chí quan trọng, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ngành Giao thông Vận tải đã làm tốt công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực trong dân cũng đã triển khai tốt tiêu chí này. Đến nay, toàn tỉnh có 13/152 xã đạt tiêu chí về giao thông, đạt tỷ lệ 8,6%, (tăng 13 xã so với năm 2010). Kể từ triển khai chương trình nông thôn mới đã nhựa hóa và bê tông xi măng đường thôn buôn 20%; Đường ngõ, xóm 28,7%  và đường nội đồng 29,8%… Hiện nay, ngành đã tiếp tục phối hợp xây dựng Đề án về “Một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2020”, tập trung vào nội dung cơ chế hỗ trợ vật tư, vật liệu thiết yếu để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn và đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết tại cuộc kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Khóa VIII.

Giải pháp trọng tâm

Theo ông Y Puăt Tơr – Giám đốc Sở GTVT cho biết : Mặc dù, đạt những kết quả khả quan, song công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường bộ mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, không đủ để sửa chữa, nâng cấp một số tuyến trọng yếu như: Tỉnh lộ 1, Tỉnh lộ 3, Tỉnh lộ 7, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 12, Tỉnh lộ 13, Quốc lộ 14C… do nguồn vốn của địa phương trong giai đoạn khó khăn và nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cũng rất hạn chế.

Diện mạo đô thị Đắk Lắk đang đổi thay từng ngày nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.

Ngành GTVT đặt ra các giải pháp trọng tâm triển khai tập trung phát triển giao thông nông thôn. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, tỉnh chú trọng nhân rộng các mô hình “ Nhà nước và nhân dân cùng làm” hoạt động có hiệu quả như: Nhân dân tự tổ chức thực hiện Nhà nước hỗ trợ vốn có sự tham gia của Hội đồng nhân dân, đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi từ công trình do dân bầu, Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Đối với  dự án giao thông nông thôn trọng điểm triển khai nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn, tỉnh dự kiến tập trung đối với 02 dự án : Dự án xây dựng cầu treo dân sinh do Tổng cục đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 250 triệu USD.Trong đó dự án thành phần tỉnh Đắk Lắk có 155 cầu với tổng mức hơn 800 tỷ đồng và Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk (gồm 5 huyện: Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, Ma Đrắk, Lắk) với kinh phí 10 tỷ/huyện/năm đầu tư trong 05 năm.

Hiện tại ngành GTVT tỉnh đã thực hiện xong Quy hoạch các điểm đấu nối vào các quốc lộ trên địa bàn tỉnh; Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh; Quy hoạch Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Dự kiến giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cho công trình giao thông như : tuyến đường Đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh thị xã Buôn Hồ, đoạn tránh thành phố Buôn Ma Thuột, đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng nối với đường Lê Duẩn đến cầu Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột; cải tạo nâng cấp Quốc lộ14C (giai đoạn 2); cải tạo nâng cấp Quốc lộ 29; cải tạo nâng cấp Tỉnh lộ 1, 3, 7, 9, 12, 13, 13B, 15; Cầu vượt sông Krông Ana và đường hai đầu cầu, nối tỉnh lộ 2 với tỉnh lộ 7; các dự án đường vào các điểm, khu du lịch…Tiếp tục mở mới, nối dài các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; công nhận quốc lộ, tỉnh lộ mới; công nhận một số tuyến đường thuỷ nội địa có thể khai thác được và triển khai đầu tư một số bến cát, bến đò ngang sông, bến du lịch vùng hồ … theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Định hướng và giải pháp phát triển phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đề ra yêu cầu phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo tính kế thừa, khả thi, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vận tải ở từng thời kỳ. Trong đó, ngành GTVT phấn đấu đến năm 2020 nhựa hóa hoặc bê tông hóa toàn bộ tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị; cứng hóa tối thiểu 70% số km đường xã, tối thiểu 50% số km đường thôn buôn. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành GTVT cần thực hiện đa dạng hóa và linh hoạt các nguồn huy động, hình thức huy động và phương thức huy động để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn phù hợp với từng địa phương; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải, cải cách hành chính, xã hội hóa việc xây dựng và khai thác các bến xe theo quy hoạch, cơ bản, liên hoàn, thông suốt từ thành phố Buôn Ma Thuột đến các huyện, các xã trong tỉnh và các tỉnh lận cận, đáp ứng được nhu cầu phục vụ vận chuyển hàng hoá, hành khách của nhân dân, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready