Giao lưu văn hóa thổ cẩm Việt và Batik của Indonesia: Nơi gặp gỡ của người yêu văn hóa truyền thống (26/12/2018, 14:15)

Diễn ra trong 03 ngày (21-23/12/2018), Chương trình Giao lưu văn hóa Việt Nam – Indonesia với chủ đề Batik và thổ cẩm Ê-đê được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột đã mang đến cho du khách một trải nghiệm mới mẻ, đặc sắc, góp phần bồi đắp và tôn vinh những giá trị văn hóa tinh hoa của nhân loại đến các thế hệ hôm nay.

Nhận lời mời từ Tập đoàn Trung Nguyên Lengend, hai nghệ nhân từ Indonesia đã đến Đắk Lắk để trình diễn cho du khách một bữa tiệc văn hóa đầy màu sắc, sáng tạo từ vải Batik và Bảo tàng Thế giới Cà phê đã trở thành nơi hội ngộ của những người yêu thích văn hóa truyền thống. Nghệ nhân Nurul Kartika Sari của Indonesia được nhiều người biết đến là nữ nghệ nhân Batik tài năng và kinh nghiệm. Chị đã tham gia rất nhiều triển lãm Batik, các hoạt động đào tạo tại các tổ chức giáo dục, các chương trình giới thiệu, trình diễn về Batik tại nhiều sự kiện ở Indonesia cũng như các nước trên thế giới. 

Du khách tìm hiểu kỹ thuật dệt thổ cẩm Ê Đê

Nghệ nhân Indonesia hướng dẫn du khách phủ sáp ong lên vải Batik

Tự hào khi là người truyền lửa đam mê về Batik đến bao thế hệ, Nghệ nhân Nurul Kartika Sari cho biết, Batik được thế giới biết đến là một loại vải truyền thống được làm thủ công, những người thợ thường phủ sáp ong và nhuộm lên bề mặt các chất liệu như lụa, len, vải sợi bông. Nghệ thuật Batik đã xuất hiện từ hơn 2500 năm trước ở Viễn Đông, Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… Dù không phải là nơi sản sinh ra Batik nhưng Indonesia được coi là quốc gia của Batik, nơi mà nghệ thuật Batik đạt đến đỉnh cao. Người Indonesia chia vải Batik ra 3 loại gồm: vẽ thủ công hoàn toàn, in và dập khuôn. Vải Batik được coi là một sản phẩm thương hiệu quốc gia Indonesia trên thế giới. Với người Indonesia, Batik không chỉ là một nghệ thuật mà còn là một biểu tượng văn hoá của Indonesia với những nét độc đáo riêng. Batik không chỉ thể hiện sự tinh xảo, thủ công của người thợ mà còn chứa đựng những triết lý sâu sắc trong cuộc sống của con người. Ngày 2 tháng 10 năm 2009, kỹ thuật nhuộm truyền thống Batik của Indonesia đã được UNESCO đưa vào danh sách đại diện di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hôm nay tôi vui mừng khi tới Việt Nam tham gia chương trình giao lưu văn hoá Batik của Indonesia và thổ cẩm của người Ê-đê, tôi nhận thấy cả hai loại vải đều làm thủ công và mất nhiều thời gian hoàn thiện. Vải Batik của chúng tôi các hoa văn được vẽ, in trực tiếp lên vải, còn các hoạ tiết trên vải thổ cẩm thì dùng màu sắc của chỉ để dệt lại với nhau rất độc đáo và mang nét đặc trưng riêng của các bạn. Kỳ vọng rằng trong tương lai sản phẩm thổ cẩm Êđê sẽ được nhiều nước biết đến và phát triển thương mại rộng rãi.

Nghệ nhân H’Yam Bkrông ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk giới thiệu về nghề dệt thổ cẩm Ê đê

Là một trong những nghệ nhân thâm niên với nghề dệt thổ cẩm, bà H’Yam Bkrông ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cũng không giấu được niềm vinh hạnh và tự hào khi được tham gia chương trình giao lưu văn hoá, giới thiệu thổ cẩm Ê-đê với mọi người, đặc biệt là nước bạn Indonesia. Bao nhiêu năm theo nghề, bà luôn nâng niu, gửi gắm tình yêu nghề qua từng sản phẩm làm ra, và xa hơn đó là mong muốn lưu giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống đối với phụ nữ Tây Nguyên đến thế hệ mai sau.

Với góc nhìn của hoạ sĩ Lê Vấn, ông cho rằng: Tôi đã biết đến cách làm vải Batik của Indonesia từ lâu và biết rằng hoa văn, hoạ tiết trên vải là nét đặc biệt, biểu trưng cho đời sống tinh thần của người Indonesia. Hôm nay tham dự chương trình này, tôi còn được biết cách để tạo ra những màu sắc hoa văn ấy. Điều này rất hữu ích cho những người làm nghệ thuật như chúng tôi rất nhiều.

Nghệ nhân hai nước trải nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt

Chuyên gia nghiên cứu văn hoá Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung- Đại học Tây Nguyên đánh giá, vải hoa văn trên vải Batik và Thổ cẩm đều thể hiện đời sống văn hoá, tinh thần và đưa thiên nhiên cây cỏ vào sản phẩm của mình. Nhưng hoa văn của Batik mang nhiều nét đặc trưng của vùng biển như màu sắc, hoạ tiết, thể hiện rất rõ về đất nước triệu đảo; còn hoa văn thổ cẩm Ê-đê lại mang tính núi rừng nhiều hơn. Đây là điểm rất thú vị với những người nghiên cứu về văn hoá. Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm thổ cẩm của người Êđê vẫn còn khó khăn.

Nghệ nhân của Indonesia trình diễn nhuộm vải Batik

Thích thú với khám phá nghệ thuật mới lạ này, bạn Phạm Hiền (Du khách Hồ Chí Minh) cảm nhận: Tôi nghĩ đây là một trải nghiệm rất hay dành cho giới trẻ, đặc biệt với những bạn yêu thích văn hóa truyền thống. Với sự hướng dẫn từ các nghệ nhân Batik, bạn chỉ việc phối màu sao cho hài hòa và phù hợp với sở thích cá nhân rồi vẽ lên vải, sau đó được giữ các tác phẩm của bạn; hoặc trải nghiệm cảm xúc ngồi sau khung cửi dệt thổ cẩm để hiểu rõ, mỗi tấm vải thổ cẩm mà bạn nhìn thấy bình thường nó đã được làm ra như thế nào. Tôi mong sẽ có nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa như vậy về nhiều lĩnh vực khác nhau tại Bảo tàng Thế giới Cà phê và thành phố Buôn Ma Thuột để thu hút giới trẻ hơn nữa.

Kim Bảo

Các tin khác
Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready