Hiệu quả từ công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh (27/01/2017, 07:32)

Với mục tiêu phát huy tiềm năng về trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đắk Lắk đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục (XHHGD) và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp, phổ cập giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển loại hình trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

XHHGD góp phần nâng cao chất lượng dạy và học

Trong điều kiện kinh tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng GD&ĐT giữa các hệ đào tạo, các trường, các vùng trong tỉnh còn chênh lệch, ngân sách chi cho giáo dục còn khiêm tốn… thì việc XHHGD, huy động nguồn lực từ nhân dân được xem là giải pháp đem đến hiệu quả tích cực, góp phần giúp ngành GD&ĐT tỉnh bớt chật vật để dồn sức chăm lo cho giáo dục vùng khó khăn. Để thực hiện hiệu quả công tác XHHGD, thời gian qua, Đắk Lắk luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; vận động XHHGD bằng nhiều biện pháp sáng tạo thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó chú trọng các hoạt động giao lưu, trực tiếp tìm kiếm, thu hút nguồn đầu tư, đối tác đầu tư, đồng thời đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư, phát triển giáo dục. UBND tỉnh cũng như các Sở, ngành, đơn vị có liên quan đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục như chính sách về thuê đất, thuế, cho vay, hỗ trợ lãi suất để xây dựng trường học; kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân đóng góp, viện trợ và hỗ trợ GD&ĐT dưới các hình thức như trao học bổng, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, hiến, tặng sách vở, tài liệu… Hiệu quả từ hoạt động XHHGD trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được khẳng định với việc hệ thống trường lớp ngày càng được quan tâm đầu tư, xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường học tập.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017, toàn ngành đã đầu tư hơn 148 tỷ đồng nhằm mua sắm trang thiết bị dạy học, xây dựng mới và sửa chữa gần 560 phòng học cho các trường từ cấp bậc mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đẩy mạnh chủ trương XHHGD, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phụ huynh học sinh đã tự nguyện đóng góp hơn 40 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho nhiều trường học trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 1.012 trường với 16.448 phòng học (trong đó có 10.688 phòng học kiên cố) từ bậc mầm non tới THPT; 15 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 184 Trung tâm Học tập cộng đồng, 20 Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ, 12 trường, phân hiệu trường đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, góp phần tích cực cho công tác giáo dục phổ thông, hướng nghiệp, dạy nghề, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Việt với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đã và đang là sự lựa chọn hàng đầu của các phụ huynh và học sinh

Với chủ trương giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, công tác XHHGD cũng tạo điều kiện thu hút nhiều nguồn lực khác đầu tư vào giáo dục, giúp các bậc phụ huynh có thêm nhiều cơ hội lựa chọn môi trường học tập tại chỗ cho con em mình, đặc biệt là tại các trường tư thục chất lượng cao. Nếu như trước đây, nhiều phụ huynh còn băn khoăn về chất lượng giáo dục giữa trường công và trường tư, đồng thời đắn đo, cân nhắc về kinh phí đào tạo giữa 02 loại hình thì hiện nay, với mức sống ngày càng được nâng lên, nhiều phụ huynh đã mạnh dạn đầu tư cho con em theo học tại các trường ngoài công lập để được thụ hưởng môi trường giáo dục toàn diện theo mô hình giáo dục của các nước hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 56/1.012 trường ngoài công lập từ mầm non đến THPT, tăng 2 trường so với năm học 2015-2016 là Trường Tiểu học, THCS, THPT Victory và Trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Việt. Trong năm học mới 2016-2017, Trường Tiểu học, THCS, THPT Victory chỉ tuyển sinh đầu cấp với các lớp 1, 2, 6, 10 nhưng ngay năm học đầu tiên đã mở được 30 lớp cho 903 học sinh theo học. Còn Trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Việt thì mạnh dạn tuyển sinh đủ các lớp cả 3 cấp, nhận cả học sinh trong và ngoài tỉnh. Với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng cho 2 giai đoạn (kết thúc vào năm 2019), Hoàng Việt là trường phổ thông liên cấp có quy mô lớn, hiện đại và tiện ích bậc nhất trong khu vực Tây Nguyên với diện tích 10,7 ha. Ngoài ra, trường còn có trang trại rau sạch rộng 30 ha và trang trại chăn nuôi 12 ha, là hai địa điểm lý tưởng cho học sinh tham quan, thực nghiệm, đồng thời tạo nguồn cung ứng thực phẩm an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường.

Bên cạnh việc tăng cường, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, công tác XXHGD cũng đã góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT, thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trên địa bàn và từng nước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hiện nay, toàn tỉnh có 100% giáo viên THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp đạt chuẩn; 99,8% giáo viên mầm non và tiểu học đạt chuẩn; toàn ngành có 59,35% giáo viên đạt trên chuẩn.

Ông Thái Văn Tài – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trong thời gian tới, để duy trì và đẩy mạnh công tác XHHGD, ngành GD&ĐT Đắk Lắk tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của giáo dục của tỉnh; tiếp tục đa dạng hoá các loại hình giáo dục, tạo môi trường phát triển, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để thúc đẩy các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập phát triển cả về quy mô và chất lượng. Trong đó, chú trọng XHHGD phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả giáo dục, đồng thời giữ vững vai trò nòng cốt, tăng sức cạnh tranh của các trường công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Để làm được điều đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường công lập cần phải tích cực thay đổi, đổi mới tư duy, phương pháp dạy học nhằm hướng tới sự hài lòng của phụ huynh, để phụ huynh thẩm định, đánh giá chất lượng giáo dục và yên tâm lựa chọn loại hình đào tạo phù hợp với nhu cầu học tập của con em mình.

Minh Huệ

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready