Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới (02/08/2018, 13:46)

Sáng 02/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh Uỷ Phạm Minh Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh, lãnh đạo Sở, ngành, cơ sở giáo dục. 
 

 
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm học 2017-2018 toàn ngành đã tiếp tục tập trung triển khai thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 giải pháp cơ bản của ngành, đạt được nhiều kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới căn bản, toàn diện trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thanh kiểm tra kịp thời các chương trình của các cấp học…Mạng lưới trường lớp mầm non phát triển, đặc biệt tỷ lệ trường lớp ngoài công lập tăng nhanh. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 97,57%. Bộ GĐ&ĐT đã tiến hành 09 cuộc thanh tra hành chính và 16 cuộc thanh tra chuyên ngành. Sở GĐ&ĐT tỉnh/ thành đã tiến hành 868 cuộc thanh tra kịp thời kiến nghị hoàn thiện cơ chế, kiến nghị xử lý nhiều hành vi vi phạm. 

 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị  (Ảnh chụp màn hình)

Về việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, các địa phương đã tiến hành rà soát hiện trạng đội ngũ, xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 sát với nhu cầu sử dụng, khắc phục tình trạng thừa thiếu như hiện nay. Bộ GDĐT đã đề xuất chỉnh sửa Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và đào tạo cao đẳng, đại học giai đoạn 2018-2030. Năm học 2017-2018, tỉ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ được nâng lên đáng kể, có 20.198 giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ, tăng 3.684 người so với năm 2016-2017. 

 
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tham gia ý kiến tại Hội nghị ( Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, Bộ GD & ĐT đã tích cực triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy- học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đến năm 2020”. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục kết nối internet tốc độ cao, 1.500 dịch vụ công trực tuyến, triển khai hiệu quả hệ thống E-office với 63 tỉnh, thành. Cơ sở dữ liệu toàn ngành đã sử dụng và thống nhất toàn quốc. Ngoài ra, Bộ đã xây dựng và cập nhật kho bài giảng E-Learning dùng chung, đang triển khai xây dựng kho học liệu số toàn ngành phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường và kết nối tri thức Việt số hóa. Hoàn thành, cập nhật, công khai 200 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thảo luận tại Hội nghị, nhiều tỉnh, thành đã đề xuất đến Bộ GĐ&ĐT tiếp tục quan tâm một số vấn đề tồn tại như : vấn đề tự chủ của trường Đại học, sắp xếp tinh giản biên chế, công tác sắp xếp mạng lưới trường lớp còn chưa phù hợp; tiến độ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn chậm, công tác giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông còn hạn chế, những tồn tại ở Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua .… 

 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong năm qua. Tuy nhiên, đồng chí cũng bàn nhiều vấn đề xung quanh việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và yêu cầu toàn ngành phải quán triệt rằng cần phải có lộ trình thực hiện. Quá trình thực hiện cần phải khoa học, cầu thị và kiên trì với những cái gì đã đúng. Việc đổi mới cũng cần phải theo xu thế của thế giới, đại học phải tự chủ, quản lý các bậc giáo dục thì cần phải bớt hành chính. Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương quan tâm đến đội ngũ giáo viên, việc sắp xếp phải theo từng đặc thù của địa phương, không tính trên tổng biên chế. Việc tinh giản cũng không nên máy móc mà thực hiện cần có lộ trình, chủ yếu tập trung vào những biên chế gián tiếp, tránh tình trạng giáo viên dạy chéo môn...
Thời gian tới, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất, vệ sinh lớp học, vườn trường... Về phía đội ngũ giáo viên phải thật sự gương mẫu, nếu vi phạm nhất định phải ra khỏi ngành, không để làm ảnh hưởng các thế hệ học trò. Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, phụ huynh, học sinh. Ngành giáo dục cũng cần nhìn nhận thẳng thắn vào những tồn tại và đánh giá đúng những kết quả đã đạt được. Để từ đó trên tinh thần cầu thị, tiếp tục phát huy, đưa nền giáo dục Việt Nam đổi mới thực sự và ngày càng phát triển.

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready