Hội thảo mô hình Nông lâm kết hợp và quản lý cảnh quan bền vững ở vùng Tây Nguyên (24/05/2019, 14:14)

Sáng 24/5, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật phối hợp với Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos) tổ chức Hội thảo Nông lâm kết hợp và quản lý cảnh quan bền vững ở vùng Tây Nguyên. Tham dự Hội thảo có hơn 60 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương, cấp tỉnh và huyện trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, các Trung tâm nghiên cứu và trường đại học, tổ chức xã hội, các chủ rừng và công ty tư nhân địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Các đại biểu dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ được nghe các bài tham luận: Cập nhật chính sách và thực hiện chính sách nông lâm kết hợp, mô hình nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) ở Việt Nam và Tây Nguyên; Khuyến khích các phương án phục hồi rừng và nông lâm kết hợp dựa trên thị trường; giải pháp thực hành mô hình nông nghiệp thông minh với khí hậu; nhân rộng thực hành nông lâm kết hợp Tây Nguyên; Cụm cà phê cảnh quan ở Tây Nguyên từ nghiên cứu đến thực hành – tiếp cận mô phỏng sinh thái; Kinh nghiệm thực hành mô hình nông nghiệp thông minh với khí hậu ở cộng đồng.

Ông Vương Hữu Nhi – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật tỉnh phát biểu đề dẫn Hội thảo

Theo đánh giá tại Hội thảo, việc phát triển sản xuất nông lâm nghiệp dựa vào khai thác không bền vững tài nguyên đất, rừng đã tạo ra những tác động tiêu cực đến môi trường ở bình diện quốc gia nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Tình trạng khai phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp diễn ra quá mức, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp diễn ra trên diện rộng đã làm cho rừng Tây Nguyên bị suy giảm nhanh chóng cả về diện tích và chất lượng. Biến đổi khí hậu được dự báo tiếp tục có tác dụng xấu kinh tế, xã hội của vùng Tây Nguyên.

Tiến sĩ Võ Hùng – Trường Đại học Tây Nguyên đề xuất một số mô hình sau nghiên cứu tại Hội thảo

Kết quả nghiên cứu của Tropenbos với Trường Đại học Tây Nguyên và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên trong các năm 2017-2018 đã cho thấy hệ thống nông lâm kết hợp và sản xuất mô hình nông nghiệp thông minh với khí hậu đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định hơn hẳn so với hệ thống canh tác độc canh khác do tạo ra được sự đa dạng về sản phẩm nông, lâm nghiệp trên cùng một đơn vị diện tích đất đai. Về mặt môi trường, sản xuất nông lâm kết hợp và CSA góp phần bảo vệ rừng, cải thiện độ ẩm, độ phì của đất, chống xói mòn rửa trôi đất, đồng thời làm giảm tình trạng khan hiếm nước tưới trong mùa khô, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường.

Thạc sĩ Nguyễn Tiến Định – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cập nhật chính sách liên quan hỗ trợ cho phát triển mô hình

Tại Tây Nguyên, nhiều mô hình nông lâm kết hợp gắn với bảo vệ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu, chống xói mòn đất đã triển khai thành công như: Mô hình chăn nuôi đàn gia súc dưới tán rừng, trồng xen cây cà phê với cây ăn quả, cà phê trồng xen muồng đen, trang trại lớn gắn với công tác bảo vệ rừng....Hiện nay, việc áp dụng thực hành nông lâm nghiệp ngày càng phổ biến, tuy nhiên tỷ lệ áp dụng nhìn chung ở mức thấp hoặc trung bình. Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là công nghệ tưới hiện đại ở Tây Nguyên cũng rất hạn chế. Hiện chỉ khoảng 50.000- 60.000 ha sử dụng công nghệ tưới phun mưa và nhỏ giọt, chiếm 2% diện tích cây trồng cạn ở Tây Nguyên. Trên 60% diện tích tưới tiết kiệm tại Đắk Lắk và Gia Lai áp dụng cho cây hồ tiêu.

Về hạn chế, bất cập trong chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm kết hợp, CSA hiện nay là do chưa có chính sách riêng tách bạch nông nghiệp và lâm nghiệp; hạn chế trong chính sách đất đai trong việc nhân rộng các mô hình; chính sách ban hành chưa phù hợp, chồng chéo...

Tiến sĩ Phạm Công Trí – Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đề xuất mô hình cụm cà phê cảnh quan Tây Nguyên.

Để phát triển mô hình nông lâm kết hợp, CSA cho cả nước và cả vùng Tây Nguyên, các chuyên gia đề xuất nhà nước cần có chính sách tín dụng, thương mại sản phẩm, bảo hiểm rủi ro; khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy liên kết sản xuất- chế biến- thương mại sản phẩm nông lâm kết hợp theo chuỗi giá trị; lồng ghép vào chương trình OCOP; xây dựng tiêu chí cho trang trại áp dụng mô hình; xây dựng cơ sở dữ liệu nông lâm kết hợp, CSA cả nước, phù hợp từng vùng...

Trên cơ sở các bài tham luận, các đại biểu đã thảo luận và phân tích hiệu quả về an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, đề xuất chính sách quản lý cảnh quan rừng bền vững ở Tây Nguyên gắn với cải thiện sinh kế cho người dân dựa vào sản xuất nông lâm kết hợp, sản xuất mô hình nông nghiệp thông minh với khí hậu trong thời gian tới.

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready