Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam (10/03/2019, 23:16)

Chiều 10/3, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã diễn ra Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, lãnh đạo các địa phương, đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế cùng đông đảo doanh doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê trong nước.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam Lương Văn Tự và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cùng chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia cà phê ở các nước như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia đã trao đổi về hiện trạng, kinh nghiệm phát triển cà phê đặc sản; thị trường cà phê đặc sản và những ảnh hưởng của phương pháp sơ chế đến công nghiệp cà phê đặc sản và giá cả. Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và các viện khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp trong nước cũng trao đổi về những giải pháp nâng cao giá trị cà phê Việt Nam, cách thức tổ chức sản xuất cà phê nhân đặc sản, một số đề xuất phát triển cà phê đặc sản Việt Nam…


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng chia sẻ về những tiềm năng, thế mạnh cũng như những thách thức đối với cà phê Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến năm 2017, cả nước có trên 664.000ha cà phê với tổng sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn nhân/năm. Cà phê được trồng chủ yếu ở 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) với diện tích 577.800ha (chiếm 89,6%).


Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh đề xuất phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

Cà phê nước ta chủ yếu là Robusta (chiếm 93%), còn lại là Arabica. Năng suất bình quân của cà phê cả nước là 2,3 tấn/ha, cao hơn so với năng suất bình quân của cà phê trên thế giới. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích cà phê già cỗi và mức độ thâm canh ở các vùng không đồng đều. Mặc dù đem lại lợi ích khá cao cho người trồng, tuy nhiên, nhiều hộ dân thâm canh cà phê không đúng quy trình kỹ thuật, làm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lãng phí nguồn nước.

Cà phê Việt Nam được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê xuất khẩu toàn cầu (đứng thứ 2 thế giới sau Brazil). Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu cao trong nhóm hàng nông sản nhưng 90% cà phê Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô (cà phê nhân) và tốc độ tăng trưởng từ năm 2013 - 2017 chỉ ở mức bình quân (6,57%/năm). Nguyên nhân chủ yếu là do chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới.


Đông đảo đại biểu trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế cùng các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự hội thảo

Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và người dân đã có các giải pháp như: nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất; cải tiến trong thu hái, bảo quản và chế biến sâu; phát triển thị trường… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, những kết quả mang lại chưa thực sự đáng kể. Do đó, việc xây dựng, phát triển đặc sản cà phê được xem là một hướng đi mới, mang lại sự đột phá về chất lượng nhằm nâng cao giá trị cho cà phê Việt Nam.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh kết luận Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh thống nhất với ý kiến của các đại biểu cho rằng phát triển cà phê đặc sản là cơ hội để nâng cao giá trị cho cà phê. Tuy nhiên, để sản xuất cà phê đặc sản cần quan tâm đến nhiều yếu tố, trước hết là sự phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng, cùng với đó là những đòi hỏi khắt khe về quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến. Do đó, việc phát triển cà phê đặc sản không thể thực hiện một cách tràn lan, thiếu quy hoạch. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chương trình cụ thể để phát triển cà phê đặc sản.

Tuấn Hải

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready