Nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk (29/11/2016, 09:43)

Đắk Lắk có đường biên giới Quốc gia dài 73 km tiếp giáp với tỉnh Monđunkiri/Vương quốc Campuchia, khu vực biên giới tỉnh có 4 xã thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp,  là nơi chung sống của 24 dân tộc anh em với 21.943 nhân khẩu. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại.

Những năm qua, công tác quản lý và duy trì pháp luật cũng như công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân khu vực biên giới của tỉnh luôn được các cấp, các ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở thông tin và truyền thông tỉnh tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới.

Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, lịch sử và văn hóa nên kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới vẫn là khu vực chậm phát triển so với khu vực khác của tỉnh. Vấn đề về phong tục tập quán, trình độ dân trí, yếu tố vùng miền, làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, nhất là năm 2015 trở về trước nổi lên một số vụ việc phức tạp như giết người, trộm cắp, sử dụng vũ khí trái phép, chống người thi hành công vụ, gây mất ổn định an ninh nông thôn và công tác quản lý và duy trì pháp luật ở khu vực biên giới.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, mục tiêu, nội dung của Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới 2013-2016” Theo Quyết định 1133 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh. Quá trình triển khai luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cấp ủy chính quyền địa phương các huyện, xã biên giới.

Đại tá Nguyễn Lương Hòa – Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk – Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Đề án cho biết: Đề án tăng cường Phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, làm chuyển biến nhận thức, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

Buổi tuyên truyền trợ giúp pháp lý cho bà con nhân dân xã Krông Na, Buôn Đôn, Đắk Lắk

Bằng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phong phú, đa dạng và thiết thực với người dân hơn như: Tuyên truyền miệng; biên soạn tài liệu phổ thông dưới dạng hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật; tuyên truyền pháp luật trong các tổ chức, khu dân cư, trường học; tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng câu lạc bộ pháp luật; tủ sách pháp luật thôn, xã, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thông qua các phiên toà xét xử công khai, lưu động... đã và đang phát huy hiệu quả.

Tham gia các buổi tuyên truyền và trợ giúp pháp lý Chị Nguyễn Thị Hạnh người dân tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho biết: Nhờ có các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý bà con trong xã đã hiểu biết thêm về đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức trong chấp hành quy định của địa phương và pháp luật của Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được xây dựng, củng cố. Bên cạnh đội ngũ cán bộ chuyên trách, đã thu hút được một lực lượng đông đảo báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tham gia.

Song song cùng với đó, Hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, đã phát động nhiều phong trào hoạt động có nội dung gắn với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng các quy ước cam kết trong hội viên, đoàn viên tích cực tuyên truyền, tham gia hoà giải các vụ mâu thuẫn ở cơ sở không để phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk hướng dẫn bà con Buôn Drang phốk cách chăm sóc ruộng lúa

Triển khai Đề án tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Trọng Nhiên – Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã cho biết: Từ khi có Đề án tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới nhận thức và trách nhiệm chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn đã được nâng lên, tỷ lệ vi phạm an ninh trật tự an toàn xã hội giảm dần theo từng năm.

Các đơn vị Đồn, Tiểu đoàn thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk luôn làm tốt công tác tham mưu cho Cấp ủy Chính quyền địa phương trong thực hiện Đề án; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước; phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền cho các doanh nghiệp, công ty và người dân vào làm việc, lao động sản xuất. Từ đó, nâng cao ý thức của người dân, Doanh nghiệp góp phần vào việc giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Tính từ năm 2014 đến nay, Ban Chỉ đạo Đề án đã biên soạn được 4 loại tài liệu tuyên truyền dưới dạng hỏi đáp; trang bị cấp 9 tủ sách pháp luật với 47 đầu sách và hơn 1.300 cuốn sách pháp luật, cấp phát 2.100 đĩa DVD và hơn 15.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật. Tổ chức tuyên truyền được 96 đợt cho trên 82.000 lượt người tham gia Thông qua các hoạt động chuyên đề trợ giúp pháp lý, phương tiện thông tin truyền thanh với các nội dung tuyên truyền như: Luật bảo vệ phát triển rừng, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật biên giới quốc gia, Luật bảo vệ môi trường, Nghị định 34 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…; tổ chức xét xử 4 vụ án hình sự tại các xã biên giới, qua đó góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, mang lại tác dụng và hiệu quả đối với công tác giáo dục chấp hành pháp luật. 

Đội công tác Vận động quần chúng Đồn Ia Rvê - BĐBP tỉnh đến nhà dân hướng dẫn người dân phát triển kinh tế lồng ghép tuyên truyền pháp luật.

Sau hơn 3 năm thực hiện, Đề án đã thu được những kết quả quan trọng. Từ năm 2013 đến nay nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật của Bộ đội Biên phòng, các cấp ngành chính quyền địa phương nên nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được nâng lên. Số vụ vi phạm pháp luật giảm dần, tình tiết vi phạm ít nghiêm trọng hơn. Xuất hiện nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực như: mô hình Phụ nữ không vi phạm Quy chế biên giới (Thôn Chiềng), Thôn không có thanh niên vi phạm Pháp luật (Thôn Quý Mùi), mô hình tiếng mõ an ninh (Thôn Đừng), tiếng kẻng dân phòng (Thôn Nhạp) xã Ia Lốp, Câu lạc bộ Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới (Thôn 3, xã Ia Rvê); Mỗi tháng một chuyện (xã Krông Na). Qua đó, đã vận động giao nộp 35 khẩu súng các loại, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép; trong tham gia đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin giá trị và kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý.

Từ những kết quả đó Đề án đã và đang từng bước đi vào thực tế sát với đời sống cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới./.

Nguyễn Ngọc Lân

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready