Tăng cường truyền thông nâng cao ý thức của người dân về phòng chống sốt xuất huyết (18/08/2017, 09:06)

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt số ca bệnh trong thời gian gần đây tăng gấp 2-3 lần so với thời gian trước và bệnh xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, huyện Cư M’gar ghi nhận 147 trường hợp mắc SXH, một số xã, thị trấn có số ca bệnh tăng cao bất thường là Quảng Phú, Quảng Tiến, Ea Pốk, Cư Suê, Ea Drơng. Là một trong những địa phương có số mắc SXH cao trong tỉnh, từ ngày 01/8, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đồng loạt ra quân thực hiện Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống SXH và viêm não Nhật Bản. Chiến dịch được thực hiện vào ngày thứ 6 hằng tuần và kéo dài đến hết ngày 31/8/2017 nhằm vận động người dân tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, nhà ở để diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy), nâng cao ý thức phòng chống SXH.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh hướng dẫn người dân diệt lăng quăng (bọ gậy) ở trong lốp xe cũ

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến ngày 16/8, toàn tỉnh ghi nhận 1.091 trường hợp mắc SXH (không có trường hợp tử vong), tập trung nhiều ở thành phố Buôn Ma Thuột (248 ca) và các huyện: Lắk (126 ca), Cư M’gar (147 ca), Buôn Đôn (100 ca). So với cùng kỳ năm 2016, số lượng bệnh giảm 72%,  tuy nhiên trong thời điểm từ cuối tháng 7 đến nay, số lượng bệnh nhân tăng vọt, nếu không kiểm soát tốt, khả năng bệnh sẽ còn tăng cao. Nếu như trước đây, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 10 ca bệnh/tuần thì ở thời điểm cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, mỗi tuần có tới hơn 70 ca bệnh.

Chia sẻ nguyên nhân khiến cho bệnh SXH tăng mạnh trong thời gian gần đây, bác sĩ Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Nguyên nhân là do biến đổi thời tiết khá thất thường và người dân ở một số địa phương còn chủ quan trong phòng chống bệnh SXH, coi đây là bệnh thông thường không nguy hiểm và có tâm lý ỷ lại vào hoạt động giám sát dịch bệnh, phun xịt hóa chất phòng ngừa của ngành Y tế. Ngoài ra, sự phối hợp giữa ngành Y tế và các địa phương trong công tác tuyên truyền phòng chống SXH ở nhiều nơi chưa tốt, đặc biệt kỹ năng xử lý môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) còn hạn chế”.

Để phòng chống SXH hiệu quả, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã có kế hoạch phòng chống SXH với các phương án cụ thể theo từng tình huống và chủ động hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống dịch. Đến hiện tại, tình hình dịch bệnh hiện vẫn được kiểm soát tốt, tuy nhiên, ngành Y tế vẫn hết sức chú trọng, theo dõi và tập trung cho công tác dự phòng như tăng cường thanh tra, giám sát tất cả các ổ dịch cũ, những nơi có nguy cơ cao, có dấu hiệu bùng phát dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, thường xuyên điều tra chỉ số côn trùng, lăng quăng; chủ động tập huấn, tập huấn lại kiến thức về phòng chống SXH cho cán bộ y tế các tuyến từ tỉnh, huyện đến xã; tăng cường truyền thông nâng cao ý thức của người dân về phòng chống SXH; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng thu dung, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ gia đình thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống SXH.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin kiểm tra bể chứa nước tại nhà dân trên địa bàn xã Ea Hu, huyện Cư Kuin

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống SXH, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động truyền thông với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của địa bàn dân cư, nhất là nhân viên y tế trực tiếp đến các hộ dân “cầm tay chỉ việc” nên ý thức về phòng chống SXH của người dân trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng cao. Tại huyện Cư Kuin, đến thời điểm này, toàn huyện có 35 trường hợp mắc SXH ở 6 xã (giảm 63 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016). Ông Nguyễn Khắc Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin cho biết: “So với cùng kỳ năm 2016, số mắc SXH giảm mạnh, nhưng không vì vậy mà địa phương lơ là, mất cảnh giác. Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện triển khai các biện pháp phòng chống bệnh SXH trên địa bàn; củng cố Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện và các xã; duy trì đội xung kích phòng chống SXH ở các thôn, buôn; tập huấn kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn; tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp tục duy trì hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục tại cộng đồng…”

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân xã Ea Hu, huyện Cư Kuin các biện pháp phòng chống SXH

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, để phòng chống SXH hiệu quả thì biện pháp bền vững nhất là không để có muỗi truyền bệnh hoặc nếu có thì mật độ muỗi phải ở mức rất thấp, không có khả năng truyền bệnh, lây lan ra cộng đồng. Muốn làm được điều này, không gì khác hơn là phải thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng ở từng hộ dân, cơ quan, đơn vị và những nơi công cộng theo phương châm “Không có lăng quăng, không có SXH”. Mỗi hộ gia đình cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, hoặc thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn diệt lăng quăng; thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ các vật liệu, phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. Ngoài ra, muỗi truyền bệnh SXH thường đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào thời điểm sáng sớm và chiều tối. Do đó, để tránh nguy cơ mắc SXH, người dân cần tự bảo vệ mình không để muỗi đốt bằng cách mặc quần dài, áo dài tay hoặc dùng kem xua muỗi, ngủ màn… Trong trường hợp có dấu hiệu của bệnh như sốt cao đột ngột, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay sơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời. Khi mắc bệnh, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà tránh tình trạng bệnh càng nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không xử lý kịp thời.

Minh Huệ

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready