Triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 (10/05/2024, 14:07)

Sáng 10/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương hữu quan. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2023, tại Việt Nam, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới; 229 trận mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 509 trận dông, lốc sét, mưa đá; 817 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 346 trận động đất… Thiên tai đã gây thiệt hạo lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân; nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, độc, xạ, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước. Trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường, nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước… Thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình).

Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023 đã xảy ra 19 đợt thiên tai làm 6 người chết, 16 người bị thương; hư hỏng 283 nhà dân; 9.392 ha cây trồng bị ảnh hưởng; gãy đổ một số cây xanh và hư hỏng một số công trình cơ sở hạ tầng. Ước tính thiệt hại khoảng 172,5 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, nắng nóng xảy ra khốc liệt trên diện rộng. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.100 ha cây trồng các loại, 1.348 hộ dân với hơn 5.300 nhân khẩu sử dụng nước giếng bị thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, các địa phương, đơn vị đang tích cực triển khai các biện pháp chống hạn và khẩn trương rà soát, tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước.

Mặc dù thiên tai năm 2023 diễn ra cực đoan song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được các cấp, các ngành, địa phương thực hiện một cách chủ động, kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở một số nơi hiệu quả chưa cao; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, công trình phòng chống thiên tai nói riêng còn thấp; việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn; việc thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã có nơi còn hình thức; công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với một số hình thái thiên tai cực đoan còn hạn chế…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình).

Theo dự báo, trong năm 2024, có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực miền núi; từ tháng 7-9/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina…

Nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với thiên tai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đảm bảo ngày càng kịp thời, chính xác; rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng chống thiên tai cho cộng đồng bằng hình thức đơn giản, hiệu quả; chuẩn bị hiệu quả các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra; tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả do thiên tai; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống thiên tai…

Minh Huệ

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready