Nghỉ phép năm được hưởng nguyên lương (20/08/2014, 15:46)
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Trần Văn Nhân như sau:

Điều 111 và  Điều 112 Bộ Luật lao động năm 2012 (BLLĐ) quy định chế độ nghỉ hằng năm (thường gọi là nghỉ phép hàng năm) và ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc như sau:

Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) như sau:

- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

- 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

- 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc  ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.

Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số  ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Cứ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 1 ngày.

Theo quy định nêu trên thì khi người lao động nghỉ hàng năm (nghỉ phép hàng năm) theo số ngày mà họ  được nghỉ theo quy định tại Điều 111 và số ngày nghỉ tăng thêm theo quy định tại  Điều 112 BLLĐ thì những ngày nghỉ hàng năm đó người lao động được hưởng nguyên lương theo HĐLĐ.

Nếu thông tin ông Trần Văn Nhân phản ánh là đúng sự thật, thì việc công ty trừ lương hoặc không trả  lương cho ông trong những ngày ông nghỉ phép năm là trái quy định của pháp luật. Hành vi vi phạm quy định về ngày nghỉ hàng năm của công ty nếu bị phát hiện có thể bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền theo quy định tại khoản 2, Điều 14 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP theo các mức sau đây:

- Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;

- Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Nhân có thể trực tiếp yêu cầu hoặc thông qua Công đoàn cơ sở kiến nghị Giám đốc Công ty thực hiện đúng quy định, trả đủ tiền lương theo HĐLĐ đối với những ngày ông đã nghỉ phép.

Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready