Về quyền nuôi con và chia tài sản khi ly hôn (23/12/2014, 09:05)
Về tài sản, ông Quyền có tài sản riêng là nhà ở, đất ở, do ông mua và xây dựng trước khi đăng ký kết hôn, đã được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi đăng ký kết hôn.

Ông Quyền cũng muốn được biết, việc phân chia tài sản có trước khi kết hôn và sau khi kết hôn như thế nào? Vợ chồng ông cùng đứng vay tiền của ngân hàng thì khi tòa án giải quyết cho ly hôn, trách nhiệm của vợ chồng được quy định như thế nào?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Quyền như sau:

Giao người trực tiếp nuôi con


Theo Điều 92, Luật Hôn nhân và gia đình, sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của con; nếu con trên ba tuổi đến dưới chín tuổi do Tòa án quyết định; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên Tòa án sẽ quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.

Về phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn

Theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

Theo Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng từ tài sản chung vợ chồng; đồ dùng, tư trang cá nhân.

Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn được quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:

- Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

- Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây: Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh


Theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự thì, đương sự có yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó.

Vì vậy, nếu muốn được Tòa án giao cho ông được trực tiếp nuôi con, ông Quyền phải đưa ra chứng cứ để chứng minh rằng ông có đủ điều kiện đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của con; Tòa án sẽ đánh giá các chứng cứ do ông và vợ ông đã giao nộp, cân nhắc xem ai đầy đủ các điều kiện hơn, để quyết định giao cho một người trực tiếp nuôi dưỡng con.

Về tài sản riêng là đất ở, nhà ở ông đã mua và xây dựng trước khi đăng ký kết hôn, chưa nhập tài sản đó vào khối tài sản chung vợ chồng; về tài sản chung của vợ chồng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân; về nghĩa vụ thanh toán chung đối với các khoản nợ của ngân hàng… ông Quyền phải đưa ra, giao nộp cho Tòa án đầy đủ các chứng cứ để chứng minh tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào là tài sản chung, khoản nợ nào là nợ chung. Tòa án sẽ đánh giá các chứng cứ do ông và vợ ông giao nộp để xác định tài sản riêng, tài sản chung, nghĩa vụ thanh toán chung, để chia tài sản và chia nghĩa vụ trả nợ theo nguyên tắc quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình.

Trường hợp giao dịch hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình thì vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Theo chinhphu.vn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready