Ông Bùi Quang Dương (Đắk Lắk) hỏi: Trường hợp công chức tự ý nghỉ việc không lý do chính đáng 5 ngày/tháng, ngoài việc bị xem xét xử lý kỷ luật thì 5 ngày tự ý nghỉ việc không lý do chính đáng có được trả nguyên lương tháng không?
Trường hợp không được trả lương đối với 5 ngày tự ý nghỉ việc thì cách tính trả lương tháng cho công chức đó được tính như thế nào? Cơ quan ông Dương ấn định trả lương cho công chức vào ngày 15 hàng tháng.
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Bùi Quang Dương như sau:
Hiện nay, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng chung theo quy định của pháp luật về lao động.
Hình thức trả lương
Hình thức trả lương được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trong đó Điểm c Khoản 1 Điều này đã được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 14 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015), như sau:
Tiền lương theo thời gian (theo tháng, theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ) được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:
Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;
Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày.
Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động.
Đối với công chức, viên chức làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc của công chức, viên chức xác định trên cơ sở ngạch công chức; chức danh nghề nghiệp, hạng của viên chức được bổ nhiệm và bậc lương, hệ số lương được xếp trong ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp, hạng viên chức, nhân với mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Tiền lương được trả cho một ngày làm việc được xác định như sau: Tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà cơ quan, đơn vị lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày.
Trường hợp cơ quan, đơn vị áp dụng số ngày làm việc bình thường trong tháng là 22 ngày (ngày nghỉ hàng tuần: thứ bảy, chủ nhật) thì tiền lương được trả cho một ngày làm việc bằng tiền lương tháng chia cho 22 ngày.
Trường hợp cơ quan, đơn vị áp dụng số ngày làm việc bình thường trong tháng là 26 ngày (ngày nghỉ hàng tuần: chủ nhật) thì tiền lương được trả cho một ngày làm việc bằng tiền lương tháng chia cho 26 ngày.
Kỳ hạn trả lương
Kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng được quy định tại Điều 5 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH (trong đó Khoản 1 Điều này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 4 Điều 14 Thông tư 47/2015/TT-TTBLĐTBXH) như sau:
Người lao động hưởng lương tháng được trả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương.
Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.
Trả lời cụ thể việc ông Bùi Quang Dương hỏi, trường hợp công chức tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng 5 ngày làm việc trong tháng làm việc, ngoài việc bị xem xét xử lý kỷ luật, thì 5 ngày tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng trong tháng làm việc đó không được trả lương.
Việc trả lương tháng cho công chức căn cứ vào số ngày làm việc thực tế: Tiền lương tháng theo ngạch, bậc lương công chức đang hưởng, chia cho số ngày làm việc tiêu chuẩn mà cơ quan áp dụng, nhân với số ngày làm việc thực tế trong tháng của công chức đó.
Để thuận tiện cho việc tính tiền lương tháng căn cứ theo số ngày làm việc thực tế của công chức, nhiều cơ quan thường ấn định ngày trả lương vào ngày cuối cùng của tháng làm việc, hoặc ấn định ngày trả lương vào 1 trong 5 ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng làm việc.
Nếu đúng như ông Dương phản ánh, cơ quan nơi ông công tác trả lương định kỳ vào ngày 15 của tháng làm việc, đã trả 100% tiền lương tháng cho công chức có 5 ngày tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng trong tháng đó, thì tiền lương của những ngày tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng đã trả cho công chức, cơ quan sẽ truy hoàn vào kỳ trả lương của tháng sau.
Theo chinhphu.vn
- Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 209/NQ-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ (26/12/2024, 10:50)
- Tập trung nguồn lực xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trong năm 2025 (26/12/2024, 09:01)
- Điểm tin một số văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Đắk Lắk (Tuần 4 tháng 12/2024) (25/12/2024, 09:28)
- Triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (24/12/2024, 14:10)
- Điểm tin một số văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Đắk Lắk (Tuần 3 tháng 12/2024) (19/12/2024, 10:10)
- Thông tin, tuyên truyền tiêu chí xét chọn doanh nghiệp thực hiện truyền thông Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 (16/12/2024, 11:07)
- Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (12/12/2024, 14:32)
- Điểm tin một số văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Đắk Lắk (Tuần 2 tháng 12/2024) (11/12/2024, 09:51)
- Kế hoạch tổ chức Hội thi Nhà nông đua tài tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 (10/12/2024, 16:44)
- Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Rang cà phê đặc sản Việt Nam 2025” tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 (10/12/2024, 16:03)
- Kế hoạch Thông tin - Truyền thông về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 (10/12/2024, 14:57)