Huyền thoại về tù trưởng Ama Thuột (28/06/2016, 08:49)

Buôn Ma Thuột là một địa danh được lấy tên của người để đặt cho vùng đất nơi đây. Tuy nhiên, đến nay, Buôn Ma Thuột đã trải qua gần 112 năm hình thành và phát triển nhưng vẫn chưa tìm thấy tài liệu ghi rõ về tiểu sử của nhân vật Ama Thuột. Đi khắp các buôn làng, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện kể về ông như một người có công trong việc gây dựng nên địa danh này.

1v7q_9a

Trung tâm ngã Sáu của TP Buôn Ma Thuột, trên vùng đất gắn liền với tù trưởng Ama Thuột. Ảnh: Trí Tín

Theo điều tra, nghiên cứu ban đầu của Tiến sĩ Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk thì Ama Thuột có tên khai sinh là Y Mun H'Dơk. Y Mun H'Dơk sinh ra và lớn lên ở buôn Ky, nhưng lại được sắp đặt trong cương vị là khoa pin ea (người đứng đầu buôn) của buôn Ako Siêr, bởi vì, Y Mun H'Dơk đã được con gái của tù trưởng Ama Blơi (Y Ngut H'Dơk) mà thanh thế vang khắp vùng khi chưa có người Pháp đặt chân đến, cưới về làm chồng. Dòng họ H'Dơk của chàng ở buôn Ky cũng là chủ bến nước ở đây, nhưng luật tục không cho người con trai quyền thừa kế, nên Y Mun H'Dơk phải tuân theo luật tục của buôn làng và thế là chỉ có những người chị, em gái của chàng được thừa kế quyền đó. Thế nhưng, Y Mun H'Dơk vẫn là người mang trong mình dòng máu của dòng họ H'Dơk, giống như bố vợ và cũng là cậu của mình, khi về làm khoa pin ea cho dòng họ Niê Buôn Kmriêk của buôn Ako Siêr, thanh thế của những người đàn ông dòng họ H'Dơk trở nên lẫy lừng. Hai vợ chồng Y Mun không có con, không có người nối dõi, vì thế, họ đã nhận cháu mình là Y Thuột và H'tế thuộc dòng họ Niê Buôn Kmriêk của buôn Ako Siêr làm con nuôi, và cái tên Ama Y Thuột bắt đầu được dân làng gọi từ đây. Ama Thuột có người vợ thứ hai là bà H'Griêk, người của buôn Alê A, không có con, nhưng bà nuôi 3 người con của em gái mình. Như vậy, mặc dù Ama Thuột không có con đẻ, nhưng ông có 5 người con nuôi.

Theo một số tài liệu được biết, địa danh Buôn Ma Thuột là tên của một buôn đồng bào Ê Đê Kpă, vào cuối thế kỷ XIX, vùng đất này chỉ có một buôn với khoảng 50 nhà dài, mỗi nhà có từ 30 - 40 người, do tù trưởng Ama Thuột cai quản, nằm bên dòng suối Ea Tam. Đến những năm đầu thế kỷ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ nữa mà đã quy tụ, phát triển thêm hàng chục buôn. Tuy nhiên, Buôn Ma Thuột vẫn là một buôn lớn của cả vùng lúc bấy giờ, do tù trưởng Ama Thuột - một người có thế lực, uy tín cai quản. Tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột tức là làng của Ama Y Thuột - làng của cha Y Thuột (tiếng Ê Đê: Ama có nghĩa là cha, Y Thuột là chỉ người con trai tên Thuột, Buôn Ma Thuột là tên gọi tắt: Làng của cha Y Thuột).

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã đẩy mạnh các hoạt động do thám, nắm bắt tình hình về vùng đất này dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, nhằm phục vụ cho âm mưu chiếm lấy Tây Nguyên. Bourgeois là một tên thực dân khét tiếng nham hiểm đã thu phục được Khumjunop - một tù trưởng, một vua săn voi nổi tiếng ở Bản Đôn (huyện Buôn Đôn ngày nay). Ngày 2-11-1899, Bourgeois lập ra hạt đại lý tại Buôn Đôn để làm thí điểm, từ đó thực dân Pháp mở rộng chiến tranh đánh chiếm toàn bộ cao nguyên Đắk Lắk. Đại lý Bản Đôn do những bất lợi về vị trí địa lý, nằm quá xa trung tâm tỉnh, lại nằm sát khu vực biên giới, thường xuyên bị người Lào, người Miên cướp bóc, khiến cho Bourgeois không yên tâm và quyết định dời trụ sở tỉnh lỵ về buôn Tur, thuộc khu vực người Ê Đê Bih ở hạ lưu sông Krông Ana.

Bourgeois quyết tâm mua chuộc và thu phục các bộ lạc Ê Đê, M'Nông (nhóm Kpă Bih) ở hạ lưu sông Krông Ana và Krông Nô, tuy nhiên, chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của đồng bào dưới sự lãnh đạo của tù trưởng N'Trang Gưh. Vùng hạ lưu sông Krông Ana trong suốt 13 năm (1901-1913) luôn là khu vực bất khả xâm phạm của đồng bào Bih.

Trước hình hình đó, thực dân Pháp buộc phải chuyển hướng về Buôn Ma Thuột, với lợi thế là trung tâm của Đắk Lắk cũng như toàn Tây Nguyên. Hơn nữa, đây còn có một vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế của cả vùng, lại nằm gọn trên một cao nguyên đất đỏ màu mỡ và bằng phẳng. Thực dân Pháp đã tiếp tục tìm mọi cách để mua chuộc tù trưởng Ama Thuột nhằm đặt tiền đề cho việc xây dựng một thủ phủ mới tại đây. Tên quan Pháp Sabatier được giao nhiệm vụ kiên trì thu phục các tù trưởng bản địa, Ama Thuột chính là một tù trưởng có ảnh hưởng lớn trong vùng đồng bào Ê Đê đã quy thuận, hợp tác với Sabatier. Bằng thủ đoạn mua chuộc, doạ dẫm, thực dân Pháp ép tù trưởng Ama Thuột để cho chúng lập đại lý hành chính tại buôn của ông, đổi lại, chính quyền bảo hộ sẽ để đại lý hành chính này mang tên ông và miễn cho buôn của ông không phải đưa nô lệ đi xâu làm đường, miễn thuế cho 1-2 năm.

Trước sức ép của thực dân Pháp, Ama Thuột đã đồng ý cho Pháp đặt đại lý hành chính. Ngày 22-11-1904, theo đề nghị của Hội đồng tối cao Đông Dương, toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập Đại lý hành chính Đắk Lắk, thuộc quyền giám sát và quản trị của Khâm sứ Trung kỳ và Buôn Ma Thuột được chọn làm cơ quan hành chính của tỉnh Đắk Lắk thay cho Bản Đôn. Từ đó, Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ của toàn vùng.

Tiến sĩ Lương Thanh Sơn cho biết: "Một du khách nước ngoài khi lần đầu tiên đến Đắk Lắk, ông ta cho rằng, mình đã may mắn được dự đám tang của người tù trưởng Ama Thuột. Ông đã bị chết trong vụ cháy nhà vào mùa nóng nực, oi bức... Đám tang của ông được đưa đi bằng voi, bằng ngựa và đi xa vài ki-lô-mét".

Cho đến nay, có rất ít tư liệu lịch sử ghi chép về nhân vật Ama Thuột, kể cả tư liệu về năm sinh, năm mất của ông. Tuy nhiên, trong tâm thức của đồng bào Ê Đê vẫn còn lưu giữ lại hình ảnh về Ama Thuột theo cách của riêng mình.

Theo Báo Biên Phòng

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready