Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV năm 2024 (25/10/2024, 14:00)

Ngày 25/10, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức phiên chính thức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.

Các đại biểu tham dự Đại hội

Đến dự và chỉ đạo Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung – Uỷ viên Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh uỷ; Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; Nguyễn Thiên Văn –Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở, ngành; Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh và 250 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 715 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS) của 49 dân tộc hiện đang sinh sống, học tập, công tác trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV năm 2024 phát biểu khai mạc

Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ III năm 2019 dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng; đa số các mục tiêu đề ra đến nay đều đạt và vượt kế hoạch.

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk trao tặng Bức trướng cho Đại hội

 Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc và sự đoàn kết các dân tộc trong tình hình mới được nâng lên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng về công tác dân tộc có nhiều chuyển biến; nhiều chủ trương, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.

Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tặng hoa chúc mừng Đại hội

Các chương trình, dự án, cơ sở hạ tầng được đầu tư thực hiện đồng bộ, có trọng điểm; hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước và các công trình phúc lợi như: trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng... được xây dựng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều tiến bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân vùng dân tộc thiểu số được nâng lên; truyền thống đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau được gìn giữ, phát huy; thực hiện tốt hương ước, quy ước ở các khu dân cư; xóa bỏ dần những tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.  Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được xây dựng, củng cố; dân chủ được phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường...

Đồng chí Nguyễn Đình Trung –Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu chỉ đạo Đại hội

Các đại biểu dân tộc thiểu số tham dự đại hội

Việc thực hiện các chương trình, chính sách, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk dự kiến được phân bổ 5.590 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để thực hiện 03 Chương trình MTQG (trong đó, vốn đầu tư phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.376 tỷ đồng; vốn sự nghiệp đã được các Bộ, ngành thông báo là 2.214 tỷ đồng); tỉnh đã cân đối bố trí 1.420 tỷ đồng để đối ứng thực hiện 03 Chương trình MTQG.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn, đến nay đã có 63/151 xã có nhà văn hóa, thể thao theo quy định; có 1.858/2.080 thôn, buôn có hội trường hoặc nhà văn hóa cộng đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… trên địa bàn.

Giai đoạn 2021-2024, chính sách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được tích hợp vào Dự án 1 Chương trình MTQG 1719, trong đó ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 130,3 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở 83 hộ, nhà ở 1.983 hộ, đất sản xuất 342 hộ.  Đến nay đã giải ngân hơn 23 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho 523 hộ và hỗ trợ đất ở cho 4 hộ. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện 16 dự án ổn định, sắp xếp dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 08 huyện với kinh phí hơn 705 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho khoảng 2.200 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 7.300 hộ với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Hỗ trợ nhà ở cho 1.788 hộ nghèo, hộ cận nghèo (xây mới 1.090 hộ, sửa chữa 698 hộ). Chính sách tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng hơn 667 tỷ đồng; trong đó, dư nợ các chương trình cho vay đối với dân tộc thiểu số hơn 2.630 tỷ đồng với hơn 75 ngàn hộ còn dư nợ.

Đại hội đã thông qua Quyết tâm thư các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV năm 2024 với mục tiêu quyết tâm thực hiện tốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thể chế hoá đầy đủ và có hiệu lực các quan điểm chỉ đạo của Đảng về Công tác dân tộc và chính sách dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc. Tập trung triển khai đồng bộ và bố trí đầy đủ các nguồn lực đầu tư để thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong vùng DTTS;

 Phấn đấu đạt được các mục tiêu chủ yếu gồm: Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện nay; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5 - 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3 - 4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2021-2025; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 68% lao động đến tuổi có việc làm; Trên 95% cán bộ, công chức xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn chức danh theo quy định; Tích cực nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài trong đồng bào các dân tộc thiểu số, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở tất cả các cấp.  Tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị nhất là cấp cơ sở...

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nguyễn Đình Trung – Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng về công tác dân tộc. Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết 24 NQ/TW ngày 12/3/2003 của BCH Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, về công tác dân tộc trong tình hình mới; quan tâm hơn nữa đối với việc tiếp tục củng cố kiện toàn xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phải xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.

Quan tâm hơn nữa đối với việc tiếp tục củng cố kiện toàn xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vùng có đông đồng bào DTTS ngày càng trong sạch, vững mạnh, nhân dịp chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số, hợp lý về cơ cấu và số lượng.

Các tập thể, cá nhân tiêu biểu nhận Bằng khen của  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Lãnh đạo UBND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến gắn với việc phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người uy tín, người có tầm ảnh hưởng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương chính sách của TW và của tỉnh.

Đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động, sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng tầm là Trung tâm vùng Tây Nguyên.

Nhân dịp này, Ủy ban Dân tộc đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 4 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 27 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019 - 2024.

Kim Bảo

Các tin khác
Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready