Đắk Lắk đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (24/05/2025, 16:32)

Ngày 23/5, tại tỉnh Sekong, nước CHDCND Lào,Tổng Lãnh sự quán nước CHXHCN Việt Nam tại Pakse phối hợp với chính quyền tỉnh Sekong tổ chức Diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch thúc đẩy phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây năm 2025. Diễn đàn tập trung trao đổi những định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực thương mại, du lịch và đầu tư trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch thúc đẩy phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây năm 2025 diễn ra từ ngày 23 - 25/5 tại Lào. Ảnh: Sở Công Thương

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã có bài phát biểu quan trọng đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác mới giữa các địa phương Việt Nam – Lào và các địa phương khác trong khu vực Hành lang Kinh tế Đông – Tây bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và thực chất, hiệu quả hơn.

Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của 18 tỉnh, thành của Việt Nam; 4 tỉnh Nam Lào (Champasak, Sekong, Salavan, Attapeu); tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan.

Được khởi xướng vào năm 1998, Hành lang Kinh tế Đông-Tây là chương trình hợp tác phát triển kinh tế thuộc tiểu vùng sông Mekong, là tuyến đường bộ dài 1.450km, bắt đầu từ Mawlamyine, Myanmar, kết thúc tại Đà Nẵng, Việt Nam, nối liền 4 nước thuộc bán đảo Đông Dương gồm Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Mục tiêu thành lập hành lang này là tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển giữa các quốc gia thành viên; giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy giao thông hàng hóa và hỗ trợ phát triển các địa phương trên tuyến. Trong bối cảnh hiện nay, Hành lang kinh tế Đông – Tây càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng cường tự cường kinh tế khu vực, phát huy tiềm lực bản địa và đẩy mạnh liên kết xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại Diễn đàn -Ảnh :SCT

Theo Sở Công Thương, một trong những thế mạnh lớn nhất của Đắk Lắk là sản xuất và chế biến nông sản, là “Thủ phủ cà phê” của Việt Nam với diện tích trên 200.000 ha, sản lượng đạt trên 550.000 tấn/năm, chiếm gần 30% tổng sản lượng cà phê cả nước. Cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến trên 75 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường Quốc tế.

Ngoài cà phê, Đắk Lắk còn sở hữu nhiều nông sản chủ lực khác như: Hồ tiêu với sản lượng khoảng 80.000 tấn/năm; Cao su đạt trên 36.000 tấn/năm; Điều hơn 34.000 tấn/năm và đặc biệt là trái cây như bơ, sầu riêng, mít, xoài là những sản phẩm đang có nhu cầu lớn tại thị trường khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng dẫn đầu cả nước về sản lượng mật ong với hơn 300.000 đàn ong và khoảng 15.000 tấn mật/năm.

Tỉnh Đắk Lắk xác định rằng, với sự tương đồng về khí hậu, tập quán canh tác và nhu cầu thương mại của hai nước. Đây là thời điểm thuận lợi để Đắk Lắk mở rộng xuất khẩu nông sản sang thị trường Lào thông qua các cơ chế hợp tác song phương.

Bên cạnh nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk cũng có tiềm năng to lớn trong phát triển năng lượng tái tạo. Với lượng bức xạ mặt trời và vận tốc gió ổn định quanh năm, Đắk Lắk được quy hoạch phát triển trên 3.000 MWp điện mặt trời và hàng nghìn MW điện gió. Một số dự án điện mặt trời đã được đưa vào vận hành, đóng góp vào lưới điện Quốc gia và tạo tiền đề thu hút đầu tư các dự án năng lượng sạch quy mô lớn trong thời gian tới.

Doanh nghiệp tìm hiểu sản phẩm trao đổi cơ hội hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn- Ảnh : SCT

Trong lĩnh vực du lịch, Đắk Lắk nổi bật với hệ sinh thái rừng nguyên sinh, thác nước, hồ tự nhiên và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hiện tại tỉnh Đắk Lắk vẫn tổ chức thường niên Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Lễ hội sầu riêng xen kẽ nhau 2 năm/ lần. Chúng tôi đang phối hợp với các tỉnh Sekong, Salavan, Attapeu xây dựng tuyến du lịch liên kết xuyên biên giới, tạo ra chuỗi trải nghiệm sinh thái – văn hóa đặc sắc, góp phần tăng trưởng kinh tế xanh và bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng định hướng mở rộng hợp tác đa phương, trong đó có các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Việc kết nối ba bên giữa Việt Nam – Lào – Thái Lan trong các lĩnh vực Đầu tư, Thương mại, Giáo dục và Du lịch sẽ tạo nên một chuỗi giá trị liên quốc gia bền vững, giúp Hành lang Kinh tế Đông – Tây phát huy tối đa vai trò trục động lực khu vực như: Thái Lan là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến ở Đông Nam Á. Đắk Lắk có thế mạnh về nông sản như cà phê, hồ tiêu, cao su, và các loại trái cây nhiệt đới. Việc hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và chế biến nông sản sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh, với phương châm “Hợp tác – Chủ động – Sáng tạo – Bền vững”, tỉnh Đắk Lắk cam kết đồng hành cùng các địa phương Lào và các tỉnh trong khu vực, đặc biệt là tỉnh Sekong trong việc triển khai các chương trình hợp tác cụ thể, đồng thời chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, chính sách để góp phần xây dựng một khu vực phát triển hài hòa, ổn định và thịnh vượng.

Để cụ thể hóa tầm nhìn nói trên, tỉnh Đắk Lắk đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới như: Thiết lập trung tâm logistics và kho trung chuyển nông sản cho hai tỉnh Sekong và Đắk Lắk phục vụ luân chuyển nông sản, hàng hóa và dịch vụ qua biên giới của hai nước.

Tổ chức định kỳ Hội chợ thương mại và Tuần lễ sản phẩm Việt – Lào tại Đắk Lắk, Sekong và các tỉnh lân cận để giới thiệu sản phẩm thế mạnh như cà phê, mật ong, trái cây, gỗ, thủ công mỹ nghệ, OCOP.

Hợp tác đào tạo tiếng Việt – tiếng Lào, trao đổi giảng viên, tổ chức chương trình thực tập, thực địa và liên kết giáo dục giữa hai bên.

Xây dựng sản phẩm du lịch liên kết: tuyến hành trình Buôn Ma Thuột – Sekong – Attapeu – Champasak với chủ đề “Hành lang xanh – Văn hóa – Bền vững”.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk khuyến khích thiết lập tổ công tác liên ngành giữa các địa phương Việt Nam – Lào để thường xuyên rà soát, tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả phối hợp và đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động hợp tác thực chất.

Tại diễn đàn, các đại biểu của một số tỉnh, thành của Việt Nam và các tỉnh của Lào, Thái Lan đã trình bày, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của các địa phương, đã cho thấy bức tranh tiểu vùng với những điểm kết nối chiến lược về kinh tế, nông nghiệp, logistics và du lịch.

Các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam, với lợi thế đất bazan màu mỡ và khí hậu ôn hòa, đang trở thành điểm trung chuyển nông sản và hàng hóa cho khu vực Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan qua các Cửa khẩu quốc tế. Với chính sách ưu đãi đầu tư mang tính đặc thù để triển khai các dự án phát triển vùng nguyên liệu, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp…

Đồng thời, các đại biểu cũng nêu một số khó khăn, hạn chế, và đề xuất các nội dung hợp tác trong lĩnh vực thương mại, du lịch; thảo luận và thống nhất về những định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của địa phương mỗi nước…

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready