Đắk Lắk thả 12 cá thể động vật hoang dã quý hiếm về Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (03/07/2025, 09:31)

Ngày 3/7, Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý rừng Đắk Lắk đặt tại xã Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ giữa tháng 6 đến nay, đơn vị đã phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm, công an và các đơn vị chức năng tiếp tục tái thả đợt 2 gồm 12 cá thể động vật hoang dã quý hiếm về khu rừng thuộc Vườn quốc gia Chư Yang Sin. Đây là hoạt động nằm trong nỗ lực bảo tồn loài động vật nguy cấp quý hiếm này.

Tái thả tê tê Java về Vườn quốc gia Chư Yang Sin.- Ảnh: TT

Điều đáng chú ý, trong đợt tái thả này có sự góp mặt của nhiều loài động vật thuộc danh sách được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt, như tê tê Java, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, rùa đất lớn, rùa sa nhân, kỳ đà vân và cầy vòi hương. Đây đều là những cái tên quen thuộc trong các chiến dịch chống buôn bán động vật trái phép, nhưng nay đang từng bước trở lại với rừng già.

Tê tê Java, loài được ghi danh trong Sách Đỏ Thế giới, là trường hợp đặc biệt. Với lớp vảy đặc trưng và thói quen hoạt động ban đêm, chúng thường xuyên trở thành mục tiêu của các đường dây săn bắt. Tại Việt Nam, tê tê Java được ưu tiên bảo tồn và nghiêm cấm khai thác, sử dụng dưới mọi hình thức. Việc tái thả cá thể tê tê về tự nhiên không chỉ có ý nghĩa sinh học, mà còn mang thông điệp mạnh mẽ về chống nạn buôn lậu động vật hoang dã.

Khỉ đuôi lợn đã được Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý rừng Đắk Lắk phóng thích trở lại rừng vào đợt giữa tháng 6. Ảnh: TT

Trong khi đó, khỉ đuôi lợn – loài nằm trong nhóm IIB theo phân loại pháp luật – hiện vẫn còn hiện diện rải rác trong các cánh rừng miền Trung, Tây Nguyên và Tây Bắc. Tuy nhiên, sự suy giảm môi trường sống và nạn săn bắt khiến số lượng cá thể giảm nhanh. Việc chúng được cứu hộ, phục hồi và tái thả về rừng là nỗ lực không nhỏ của lực lượng bảo tồn địa phương.

Không chỉ có các loài linh trưởng, các loài rùa quý hiếm cũng được trở về với môi trường sống vốn có. Rùa đất lớn hiện là loài có số lượng cá thể rất hạn chế do thường xuyên bị săn bắt. Loài động vật hoang dã quý hiếm này sinh sống trong môi trường tự nhiên tại nhiều địa phương của Việt Nam như Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai…

Rùa sa nhân thuộc động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB, theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Rùa sa nhân có tên gọi khoa học là Cuora Mouhotii, thuộc họ rùa đầm Emydidae, bộ rùa Testudinata. Loài rùa này có mai dài 18cm, lưng phẳng có 3 gờ nổi rõ (nhưng không có vệt xám đen). Con đực đuôi dài và dầy hơn con cái.  Tại Việt Nam, loài rùa này phân bố chủ yếu ở các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An...

Cầy vòi hương đã được Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý rừng Đắk Lắk phóng thích trở lại rừng đợt giữa tháng 6. Ảnh: TT

Trong số các cá thể được thả về rừng, cầy vòi hương là một trong những loài có tính biểu tượng cao. Dù từng hiện diện phổ biến trong rừng Việt Nam, song do nhu cầu nuôi nhốt, lấy tuyến xạ và mất môi trường sống, số lượng cá thể trong tự nhiên đã sụt giảm đáng kể, có nguy cơ tuyệt chủng cao và cần được ưu tiên bảo tồn, phục hồi quần thể.

Trước khi được tái thả về tự nhiên, tất cả các cá thể quý hiếm đều được tiếp nhận, nuôi dưỡng và kiểm tra sức khỏe một cách nghiêm ngặt. Ảnh TT

Ông Lê Văn Hồng – Trưởng phòng Cứu hộ động vật hoang dã (thuộc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý rừng Đắk Lắk) cho biết, trước khi được tái thả về tự nhiên, tất cả các cá thể quý hiếm đều được tiếp nhận, nuôi dưỡng và kiểm tra sức khỏe một cách nghiêm ngặt. Nhờ đó, khi trở lại với rừng, phần lớn đều nhanh chóng thích nghi và phát huy tốt khả năng sinh tồn. Thống kê qua 2 đợt, Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý rừng Đắk Lắk đã thả 25 cá thể động vật hoang dã về rừng tự nhiên.

Thời gian đến sẽ phối ghợp với lực lượng chức năng hoàn thiện thủ tục tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã quý hiếm do người dân giao nộp để tái thả về với Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Đây là minh chứng sống động cho hiệu quả của các chương trình cứu hộ – bảo tồn – tái thả, đồng thời đặt ra trách nhiệm lớn lao trong công tác quản lý, giám sát sau khi tái thả để đảm bảo chúng thực sự an toàn trong vòng tay thiên nhiên.

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - P.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready