Đắk Lắk thúc đẩy thực hành kinh tế xanh (26/11/2024, 10:03)

Thời gian  qua, các Sở, ngành tỉnh Đắk Lắk đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế xanh trên nhiều lĩnh vực, qua đó góp phần chuyển biến nhận thức và nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông nghiệp xanh bắt đầu tư nông dân

Là nông dân đầu tiên đăng ký tham gia mô hình thí điểm “Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất được triển khai trong vụ đông xuân 2023 – 2024”,  ông Lê Như Hùng, ở thôn 1, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk triển khai trên diện tích 4,2 ha tại ruộng lúa của gia đình. 

Đây là mô hình được áp dụng quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), kết hợp sử dụng chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.

Sau thành công của mô hình thí điểm sản xuất lúa giảm phát thải ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana), Đắk Lắk quyết định mở rộng quy mô ở các địa phương trồng lúa nhằm tạo ra được dòng sản phẩm tiêu dùng xanh và tăng thêm thu nhập cho nông dân khi bán tín chỉ carbon.

Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình này đã mang lại kết quả tích cực. So với mô hình đối chứng, năng suất lúa tăng gần 1 tấn/ ha, chi phí đầu tư giảm được gần 10%, lợi nhuận tăng gần 20%. Qua thử nghiệm, mô hình giúp giảm lượng phát thải được gần 17 tấn khí nhà kính (CO2e), góp phần bảo vệ môi trường, lúa sạch hơn, sản xuất an toàn hơn…Quan trọng hơn, mô hình này giúp nông dân thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất lúa.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Hà, vừa qua, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon mua gần 17 tấn giảm phát thải CO2e của mô hình, với giá 20 USD/tấn (tổng giá trị là hơn 8 triệu đồng). Đây là số lượng giảm phát thải CO2e đầu tiên trên lúa của Việt Nam được bán thành công từ mô hình thí điểm Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất tại Đắk Lắk. Vì thế, ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận hướng đến nền nông nghiệp xanh, sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính.

Từ kết quả của mô hình thí điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai ra 500 ha lúa trên toàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2024-2025. - Ông Nguyễn Văn Hà cho biết.

Thúc đẩy doanh nghiệp thực hành xanh                                                                                  

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, xu hướng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh (PGI) cuả địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả điểm số PGI năm 2023 tỉnh Đắk Lắk đạt 20,84 điểm, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố, tăng 6,61 điểm và 2 bậc so với năm 2022; xếp thứ 2 khu vực Tây Nguyên.

Ông Võ Ngọc Tuyên – Giám đốc Sở Kế hoạch Và Đầu tư nhìn nhận, tỷ lệ doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành về bảo vệ môi trường tại tỉnh chỉ chiếm 22%, trong khi đó trung vị cả nước là 28%. Điều này đã cho thấy chính quyền tỉnh chưa có nhiều hành động để thúc đẩy phát triển DN tham gia tốt hơn vào quá trình chuyển đổi  hướng đến tăng trưởng xanh, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh xanh.

Doanh nghiệp sản xuất gạch không nung tại địa bàn huyện Ea Kar theo công nghệ mới

Trong đó có tới 9/11 tiêu chí thành phần thấp hơn so với trung vị cả nước. Do đó, yêu cầu đặt ra của tỉnh là việc triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư không chỉ tập trung vào đảm bảo mục tiêu kinh tế mà còn đảm bảo đạt được các mục tiêu thúc đẩy hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các thực hành xanh của địa phương.

Để tiếp tục cải thiện chỉ số PGI trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh giao các đơn vị tập trung cải thiện 03 tiêu chí thành phần là: Chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai, biến đổi khí hậu; Chỉ số Thúc đẩy thực hành xanh tại các doanh nghiệp và Chỉ số Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ tại Hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo của tỉnh Đắk Lắk, ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chỉ số PGI – Nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới phát triển bền vững là tập hợp và truyền tải “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp.

Đại biểu tìm hiểu sản phẩm tại Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần 10-2024 tổ chức tại Bảo tàng Thế giới Cà phê tỉnh Đắk Lắk 

Thời gian tới tỉnh, Đắk Lắk cũng cần thực thi tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thực thi pháp luật nghiêm túc, giám sát chặt chẽ từ khâu đầu tư, xây dựng đến vận hành, song cần tránh tạo gánh nặng không cần thiết với doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng thu hút các dự án đầu tư kinh doanh có trách nhiệm, xây dựng các tiêu chí đánh giá dự án đầu tư ở địa phương với trọng tâm là sàng lọc, lựa chọn các dự án kinh doanh có trách nhiệm,..

“Trong đó, ưu tiên phổ biến thông tin hiệu quả tới cộng đồng doanh nghiệp các nội dung liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Dẫn dắt và khuyến khích các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, đầu tư theo hướng thân thiện môi trường qua các chương trình phù hợp. Khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể.

Các cơ quan nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PGI; Tổ chức xây dựng các kế hoạch phòng chống và phục hồi nhanh chóng sau thiên tai, giảm tối đa tác động của thiên tai đối với người dân và doanh nghiệp.” –ông Đầu Tuấn Anh gợi mở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Đắk Lắk cần tạo xung lực mới phát triển nhanh, xanh, hài hòa và bền vững.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thủ tướng yêu cầu Đắk Lắk cần tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế…

Kim Bảo

Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready