Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (31/03/2025, 19:30)

Chiều 31/3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng BCĐ Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội; Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa.

Tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, lãnh đạo Sở, ngành, địa phương.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho 3 Chương trình là 102.000 tỷ đồng (100.000 tỷ đồng vốn trong nước, 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài; vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương bố trí đạt gần 97.900 tỷ đồng).

Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đến tháng 3/2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 77,9% (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 80%); huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 47,6% (mục tiêu là 50%); 6 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (mục tiêu là 15 tỉnh).

Các đại biểu tham dự điểm cầu tỉnh Đắk Lắk

Chương trình giảm nghèo bền vững đã đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2024 là 1,93%; hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%; hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm 3,95%).

Trong số 9 nhóm mục tiêu của Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 6 nhóm mục tiêu đã cơ bản hoàn thành và vượt: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập bình quân; giao dục; lao động qua đào tạo nghề; bảo tồn, phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống; tăng cường công tác y tế.

Ba nhóm mục tiêu chưa đạt là: Cải thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; giảm số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.

Riêng năm 2025, tổng dự toán, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương dành cho 3 Chương trình là hơn 53.500 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng đã giao gần 30.400 tỷ đồng (gồm gần 22.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, 8.400 tỷ đồng kinh phí thường xuyên). Ước đến hết tháng 3/2025, các địa phương giải ngân 3.836 tỷ đồng vốn đầu tư công Trung ương (đạt 16%); kinh phí thường xuyên đạt 323 tỷ đồng (đạt 1,8%).

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích làm rõ thêm những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai các chương trình MTQG; đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh mục tiêu, ý nghĩa của việc thực hiện các chương trình MTQG. Đồng thời nêu rõ, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, vì vậy các cấp, các ngành cần tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả 5 năm để tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt, phấn đấu hoàn thành mục tiêu được Quốc hội giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh một số giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương về việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến thể chế thực hiện các chương trình MTQG.

Các điểm cầu tham luận tại hội nghị

Các Bộ, ngành cần tập trung đôn đốc, kiểm tra, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, đảm bảo quá trình triển khai các chương trình MTQG diễn ra liên tục. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình đảm bảo hoàn thành mục tiêu từng chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao; tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2026-2030 phù hợp với tình hình mới. Không để khoảng trống thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia khi các địa phương thực hiện sáp nhập cấp xã, tỉnh, không tổ chức cấp huyện.

*Tại Đắk Lắk, Chương trình nông thôn mới lũy kế toàn tỉnh có 81/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 54,36%; bình quân tiêu chí đạt 16,6 tiêu chí/xã; lũy kế toàn tỉnh có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình giảm nghèo bền vững đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,77%, từ 9,15% xuống còn 6,38%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 9,76%, từ 34,45% xuống còn 24,69%.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5,99%, từ 19,7% xuống còn 13,71%; tỷ lệ thôn, buôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn giảm 12,5% (giảm 65 thôn, buôn) do sáp nhập thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Tình hình giải ngân vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình MTQG năm 2025, vốn đầu tư phát triển: được 146,527/1.252,678 tỷ đồng, đạt 11,7%. Trong đó, vốn kế hoạch năm trước kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang 2025 đã giải ngân 30,902/329,696 tỷ đồng, đạt 9,4%. Nguồn vốn kế hoạch giao năm 2025 đã giải ngân 115,624/922,982 tỷ đồng, đạt 12,5%.

 Vốn sự nghiệp, theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tính đến hết tháng 02 năm 2025, các đơn vị đã triển khai thực hiện và giải ngân được 17,308/581,405 tỷ đồng, đạt 3%. Riêng dự toán năm 2025 chưa giao chi tiết để triển khai thực hiện.

Quá trình thực hiện địa phương còn gặp khó khăn, do vẫn còn một số nội dung quy định thuộc các chương trình MTQG (đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) chưa được các Bộ, ngành Trung ương kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung nên vẫn chưa đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình MTQG.

Do đó, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẩn trương tham mưu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao đủ phần vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương còn thiếu so với kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 188,940 tỷ đồng và giao dự toán kinh phí sự nghiệp năm 2025 nguồn ngân sách trung ương để địa phương có cơ sở phân bổ chi tiết và triển khai thực hiện kế hoạch.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bổ sung, mở rộng đối tượng được vay là hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng, tăng mức cho vay và sớm giao chỉ tiêu kinh phí cho vay vốn tín dụng năm 2025 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tiếp thu khi xây dựng cơ chế chính sách cho giai đoạn tới để tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các chương trình MTQG, rút ngắn khoảng cách so với mục tiêu chung của cả nước

Kim Bảo - Tuấn Hải

​​​

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready