Định hướng phát triển thị trường cà phê đặc sản Việt Nam (23/04/2025, 14:00)

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, Talkshow "Cà phê và chuyện nghề" là một sự kiện đặc biệt lần đầu được tổ chức bên lề cuộc thi Rang cà phê đặc sản Việt Nam 2025. Các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng chia sẻ với cộng đồng yêu thích cà phê  về câu chuyện định hướng phát triển cà phê đặc sản, gắn với không gian cà phê thành phố Buôn Ma Thuột- nơi mỗi hạt cà phê không chỉ là một sản phẩm mà còn mang một giá trị văn hóa, một niềm tự hào của Việt Nam.

Talkshow “Cà phê và chuyện nghề” quy tụ 12 diễn giả là lãnh đạo cơ quan quản lý, hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn trong nước và quốc tế, các nhà rang xay nổi bật, cùng những người trẻ tiên phong dẫn đầu xu hướng đổi mới ngành cà phê Việt Nam tham gia.

Chuyên gia chia sẻ định hướng phát triển cà phê đặc sản vươn tầm thế giới

Các chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ về: Định hướng phát triển cà phê đặc sản gắn với không gian thưởng thức cà phê "Buôn Ma Thuột - Điểm đến cà phê thế giới"; Hành trình cải tiến và phát triển cà phê đặc sản từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu; Cà phê đặc sản - Kết nối thế hệ trẻ và tương lai giá trị cho cà phê Việt Nam.

Nhiều năm theo đuổi hành trình phát triển cà phê đặc sản, ông Lê Đức Huy, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Simexco Đắk Lắk, tin tưởng: với sức bền bỉ, sáng tạo, của cộng đồng yêu cà phê sẽ tạo được đột phá hướng tới xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

“Làm cà phê đặc sản không thể đi nhanh, đi mạnh cùng một lúc được thì cũng mong tất cả mọi người yêu cà phê chia sẻ những khó khăn và hãy lan toả để mọi người có động lực hơn về làm cà phê đặc sản. Tự hào về giá trị cà phê Việt Nam để chúng ta có những lực mạnh hơn trong thời gian tới”.

Chế biến cà phê xuất khẩu tại Simexco Daklak

Theo ông Lê Đức Huy – Chủ tịch Simexco Daklak, sau gần 4 giờ diễn ra, talkshow "Cà phê và chuyện nghề" đã chia sẻ rất nhiều thông tin, rất nhiều câu chuyện đã chạm đến trái tim của những người đồng điệu.

“Chúng ta hãy cùng nhau mời gọi các nhà giao dịch, nhà nhập khẩu, nhà rang xay, người yêu cà phê và các đối tác trong ngành cùng hợp tác, chia sẻ trách nhiệm và tiếp tục thúc đẩy những thay đổi tích cực. Bằng cách làm việc chặt chẽ với nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai nơi cà phê không chỉ là nguồn sinh kế mà còn mang lại niềm vui và sự thịnh vượng cho tất cả những ai gắn bó với ngành công nghiệp tuyệt vời này”, ông Lê Đức Huy chia sẻ.

Hiện nay, cà phê đặc sản được xem như nghệ thuật ẩm thực bởi giới sành cà phê và được coi là hướng đi mới của ngành cà phê nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê Robusta mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Với quy trình sản xuất, chế chế nghiêm ngặt, lợi nhuận có thể cao gấp 5 lần so với cà phê thông thường. Các dòng cà phê đặc sản của Việt Nam đang đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của thế giới bởi chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe.

Cà phê Việt Nam khẳng định giá trị, uy tín qua cuộc thi Cà phê đặc sản 2025

Dưới góc nhìn của chuyên gia pha chế, ông Lê Trung Hưng- Chuyên gia cà phê đặc sản – Ban giám khảo cuộc thi Cà phê đặc sản 2025  nhìn nhận: Cà phê đặc sản là người tiêu dùng quan tâm xuất xứ của cà phê đó. Mỗi năm Việt Nam mình xuất khẩu 1,5 triệu tấn cà phê. Các nhà nhập khẩu lớn đều có sử dụng cà phê Việt Nam. Đó là giá trị lớn nhất khi mình làm thương hiệu cấp quốc gia. Và người bán cũng tự hào khi họ công bố được nguồn gốc cà phê đặc sản và đó cũng là cái thuyết phục người tiêu dùng nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn khẳng định, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh và là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, Đắk Lắk đã mở rộng, phát triển được sản phẩm cà phê đặc sản, đây là hướng phát triển mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên thế giới. Đây cũng là một giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng, khẳng định thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột và hướng tới mục tiêu trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”.

Việc phát triển cà phê đặc sản tại Việt Nam là xu hướng tất yếu sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng chung của cà phê Việt Nam. Một số dòng sản phẩm và lô hàng cà phê nhân đặc sản đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm những thị trường khó tính như: Châu Âu, Mỹ, Châu Á, Nhật Bản, Pháp. Chính sự đón nhận từ thị trường quốc tế đã trở thành động lực to lớn để Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế cà phê Việt trên trường quốc tế.

Nhiều năm đồng hành với Cuộc thi phát triển cà phê đặc sản, ông Trịnh Đức Minh-Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột chia sẻ: Chúng ta tôn vinh, lan toả sự sáng tạo, không những sáng tạo của các thí sinh từ các cuộc thi này mà còn sáng tạo của cả một chuỗi ngành hàng; giúp người tiêu dùng biết được giá trị cà phê đặc sản. Đặc biệt qua cuộc thi tiếp tục hiện thực hoá mục tiêu Buôn Ma Thuột là điểm đến của cà phê thế giới.

Kim Bảo

​​​

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready