Bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế số (15/03/2025, 08:13)

Năm 2025, Bộ Công Thương lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm" nhằm nâng cao ý thức bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước, đồng thời xây dựng và phát triển các thói quen, kỹ năng tiêu dùng phù hợp với xu thế mới.

Thúc đẩy tiêu dùng trách nhiệm

Dù đã nhiều lần mua sắm trực tuyến nhưng chị Trần Cẩm Nhung –Thành phố Buôn Ma Thuột vẫn không ít lần gặp phải tình trạng nhận hàng kém chất lượng không được đổi trả từ nhà cung ứng trên sàn thương mại điện tử.

Khách hàng mua sắm tại Siêu Thị Go! Buôn Ma Thuột

Chị Nhung chia sẻ “Tôi đặt mua 1 camera nhỏ cầm tay đời mới để phục vụ công việc. Tuy nhiên khi nhận hàng thì các thông số kỹ thuật và hình ảnh máy không như doanh nghiệp quảng bá trên ứng dụng Shoopee. Khi nhận hàng thì không được kiểm và không liên lạc được với đơn vị cung cấp. Tuy nhiên do giá trị máy quay không nhiều nên tôi không khiếu nại và yêu cầu hoàn trả hàng mới.”

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường về hàng hóa kém chất lượng. Năm 2025, Bộ Công Thương sẽ lấy chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm” làm định hướng cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam. Các hoạt động truyền thông hướng về người tiêu dùng thông thái để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; doanh nghiệp xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến minh bạch, công bằng và an toàn cho người tiêu dùng. Chủ đề này không chỉ khuyến khích người tiêu dùng cẩn trọng trước các thủ đoạn lừa đảo, mà còn tạo động lực xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh cho xã hội.

Tập huấn bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk

Liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, đại diện hiệp hội thương mại điện tử cho hay, để bảo vệ bản thân tốt nhất, người tiêu dùng phải nâng cao trách nhiệm của mình trong các hành vi tiêu dùng như: Tiêu dùng đúng quy định pháp luật; kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tuân thủ hướng dẫn sử dụng; tiêu dùng có trách nhiệm và bền vững….

Cùng với đó, về phía các doanh nghiệp, việc cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời cho người tiêu dùng sẽ giúp đưa ra các quyết định tiêu dùng đúng đắn và an toàn trong quá trình lựa chọn, thanh toán và sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến, trên không gian mạng, trách nhiệm cung cấp thông tin này không chỉ giới hạn đối với doanh nghiệp mà còn của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chuyên gia tập huấn kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để bán hàng trực tuyến cho doanh nghiệp Đắk Lắk

Nhằm tăng cường trách nhiệm với người tiêu dùng, tại Siêu thị GO! Buôn Ma Thuột duy trì các cam kết quản lý sản phẩm và dịch vụ không bán hàng hết hạn sử dụng, luôn bán đúng giá niêm yết...

Siêu thị GO! Buôn Ma Thuột tuyên truyền hưởng ứng Ngày 15/3

Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại siêu thị GO! Buôn Ma Thuột còn tích cực hướng ứng xu hướng tiêu dùng bên vững và bảo vệ môi trường. Siêu thị khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm túi đựng thực phẩm thân thiện với môi trường, tái sử dụng nhiều lần. Hoạt động này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa, mà còn nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh trong cộng đồng.

Khuyến cáo an toàn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, kinh tế số tỉnh Đắk Lắk bước đầu có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đắk Lắk có 1.715 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; có 42.933 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 5 toàn quốc.

Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sắm trực tuyến

Tuy nhiên, rất nhiều người dân khi mua sắm trực tuyến đã từng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng tâm lý ngại đến các cơ quan chức năng để khiếu nại bảo vệ quyền lợi của chính mình. Từ thực tế này, cơ quan chức năng cũng không có điều kiện can thiệp kiểm tra xử lý, xây dựng chế tài đảm bảo quyền lợi cho người dân trên không gian mạng.

Đại diện cho người tiêu dùng, ông Võ Văn Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - thông tin, việc bảo vệ người tiêu dùng không chỉ trên nền tảng thương mại truyền thống mà còn trên thương mại điện tử. Việc vào cuộc của các cơ quan nhà nước sẽ giúp kịp thời phát hiện ra những vi phạm nhất là trên môi trường không gian mạng ở cả trong nước và nước ngoài, từ đó, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Ông Võ Văn Khanh - Trưởng đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, khu vực miền Trung Tây Nguyên nhận định: Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc đảm bảo an toàn khi giao dịch trực tuyến là điều cần thiết đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Để bảo vệ bản thân, người tiêu dùng nên lựa chọn các trang web mua sắm uy tín và kiểm tra đánh giá từ những khách hàng trước đó.

Đồng thời, cần thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân, đặc biệt không chia sẻ dữ liệu thanh toán như số thẻ tín dụng, mã OTP và mật khẩu dưới bất cứ hình thức nào và tuân thủ các thông tin khuyến cáo bảo mật từ phía ngân hàng. Khi thanh toán, nên ưu tiên sử dụng các phương thức an toàn như ví điện tử hoặc thẻ tín dụng có tính năng bảo vệ giao dịch.

Siêu thị luôn thúc đẩy cam kết nâng cao dịch vụ, chất lượng hàng hóa cho khách hàng

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo, chẳng hạn như các chương trình giảm giá quá hấp dẫn hoặc những đường link lạ gửi qua email và tin nhắn. Việc kiểm tra kỹ đơn hàng trước khi nhận và tìm hiểu chính sách đổi trả sẽ giúp giảm thiểu rủi ro khi mua sắm trực tuyến.

Về phía doanh nghiệp, việc bảo mật hệ thống và dữ liệu khách hàng là ưu tiên hàng đầu. Các trang web cần thường xuyên kiểm tra và nâng cấp bảo mật để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên áp dụng xác thực hai yếu tố (2FA) để tăng cường an toàn khi xác minh giao dịch. Tính minh bạch trong việc cung cấp thông tin sản phẩm, chính sách mua hàng và đổi trả là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin với khách hàng.

Ngoài ra, để đối phó với các nguy cơ gian lận, doanh nghiệp cần đào tạo nhân viên về an ninh mạng, cập nhật phần mềm bảo mật và báo cáo các trường hợp lừa đảo với cơ quan chức năng. Việc tuân thủ các quy định về thương mại điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

"Như vậy, để giao dịch trực tuyến an toàn, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp cần nâng cao ý thức cảnh giác, sử dụng các biện pháp bảo mật phù hợp và thường xuyên cập nhật thông tin về các phương thức lừa đảo mới. Trong trường hợp xảy ra sự cố, người tiêu dùng nên báo cáo ngay với cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ kịp thời". - Ông Võ Văn Khanh khuyến cáo.

Kim Bảo

​​​

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready