Giám sát kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh giai đoạn 2021 -2025 (20/11/2024, 16:40)

Chiều 20/11, Đoàn Giám sát số 39 do đồng chí Trần Phú Hùng – Phó Chủ tịch Hội Đồng nhân dân tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về “giám sát kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tỉnh Đắk Lắk 5 năm, giai đoạn 2021 -2025 và việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2023”.

Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; lãnh đạo Sở, ngành, địa phương liên quan.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc đánh giá: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, trong giai đoạn 2021 - 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì phát triển và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu, đến hết năm 2023, đã thực hiện đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu theo kế hoạch 3 năm 2021-2023 của tỉnh đề ra; có 4/16 chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch; 2 chỉ tiêu không đạt theo kế hoạch 3 năm 2021-2023.

Đồng chí Trần Phú Hùng –Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi giám sát

Trong đó, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) đạt 172.659 tỷ đồng, bằng 56,04% kế hoạch 5 năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 113.509 tỷ đồng, bằng 63,41% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4.197 triệu USD, bình quân đạt 1.399 triệu USD/năm, bằng 119,23% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 280.386 tỷ đồng, bình quân tăng 6,21%/năm, bằng 58,86% kế hoạch. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 27.147 tỷ đồng, bằng 47,45% kế hoạch. Nhóm chỉ tiêu văn hóa – xã hội về giảm tỷ lệ hộ nghèo; lao động – việc làm; môi trường; trường học đạt chuẩn Quốc gia đều đạt và vượt kế hoạch 5 năm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng được tăng cường; chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới được giữ vững. Tai nạn giao thông được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ của nhiệm kỳ trước.  

Đồng chí Võ Văn Cảnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với đoàn giám sát

Tuy nhiên, sau gần 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh, tỉnh Đắk Lắk xác định vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định, như: Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu nội bộ từng ngành nói riêng còn chậm. Việc bố trí ngân sách cho các mục tiêu ưu tiên chưa đảm bảo, nhiều chủ trương, chính sách đề ra không đủ nguồn lực thực hiện nên kết quả đạt thấp; sản xuất công nghiệp chưa thật sự bền vững, tính cạnh tranh còn thấp; du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa đạt kế hoạch đề ra; doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể tăng cao. Tình hình thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc sau đại dịch nhưng cũng có khó khăn, chưa có nhiều đột phá để tác động mạnh vào tăng trưởng. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện; tuy nhiên, Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu tăng thêm và yêu cầu cao hơn, nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn....

Đồng chí Lê Văn Cường- Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh tham gia ý kiến

UBND tỉnh dự kiến có 10/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch 5 năm, gồm: (1)  GRDP bình quân đầu người, (2) Huy động vốn đầu tư toàn xã hội, (3) Tổng kim ngạch xuất khẩu, (4) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, (5) Giảm nghèo, (6) Lao động, việc làm, (7) Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, (8)  Y tế, (9) Cải cách hành chính, (10) Quốc phòng, an ninh.

Đồng chí Nguyễn Quang Thuân – Phó Giám đốc Sở LDTBXH tỉnh báo cáo với đoàn giám sát

Đối với việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn, đến hết năm 2023, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có gần 19.709 km. Mạng lưới đường giao thông trên địa bàn cơ bản kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông đường bộ đối ngoại của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông, tăng khả năng liên kết, mở rộng thị trường, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương.

Hiện nay, các tuyến đường bộ được giao Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, bảo trì, hệ thống quản lý đường bộ đã được hình thành tương đối ổn định.Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải đang sử dụng một số phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam như: Hệ thống quản lý Cầu trên quốc lộ (Hệ thống VB MS), hệ thống quản lý tình trạng mặt đường (Hệ thống PMS), hệ thống quản lý tài sản đường bộ (Hệ thống RAMS).

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp cụ thể để thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt, ít nhất là tiệm cận kế hoạch đề ra đối với các chỉ tiêu có khả năng chưa đạt. Đồng thời có những giải pháp hiệu quả hơn nữa về phát triển kinh tế, nhất là các giải pháp về thu hút đầu tư với thế mạnh của tỉnh. Chỉ đạo quyết liệt việc hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu đạt thấp, nhất là việc xây dựng dự án đầu tư; thu ngân sách nhà nước; giải ngân vốn đầu tư công; số doanh nghiệp thành lập mới; tỷ lệ che phủ rừng; đấu tranh phòng chống các loại tội phạm.

Đối với công tác quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đồng chí Trần Phú Hùng đề nghị UBND tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển mạng lưới giao thông đường bộ; thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển mạng lưới, kết cấu hạ tầng giao thông; phân bổ và sử dụng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ đúng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên công trình có tính đột phá, chỉ đạo cấp huyện rà soát pháp lý cắm mốc lộ giới tuyến đường giao thông v.v....

Kim Bảo

Các tin khác
Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready