Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Cả phía quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và phía đối tượng thụ hưởng, sử dụng dịch vụ công đều phải vận dụng chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất”…
Sáng 31/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, với mục tiêu đưa việc triển khai dịch vụ công trực tuyến sang giai đoạn mới: Phát triển theo chiều sâu.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, lãnh đạo Sở, ngành liên quan.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: VGP.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Cả phía quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và phía đối tượng thụ hưởng, sử dụng dịch vụ công đều phải vận dụng chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất.
Thời gian qua, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn. Chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Tư duy, hành động, thói quen của cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế, xã hội.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng chỉ rõ còn có những tồn tại, hạn chế liên quan tới tư duy, nhận thức, hành động về chuyển đổi số, có nơi, có lúc chưa như mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hạ tầng số chưa đồng bộ, có nơi, có lúc còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, (mới chỉ 17% hồ sơ ở địa phương được xử lý trực tuyến toàn trình)…
Đồng thời, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phải đối mặt, giải quyết những thách thức rất lớn như phải đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao của hệ thống hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong quá trình vận động, phát triển rất nhanh của các hoạt động kinh tế, xã hội; cần số hóa một lượng lớn thông tin giấy tờ; nguồn lực Nhà nước có hạn, do đó phải huy động nguồn lực xã hội, sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp bằng tư duy, tầm nhìn, đổi mới sáng tạo; phát triển sản phẩm công nghệ số Việt Nam trước hết phải phục vụ tốt nhu cầu của người Việt Nam, rồi vươn ra khu vực và thế giới…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tại hội nghị
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến.Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Một số địa phương đạt tỉ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỉ lệ rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình.Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn 3, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025.Cụ thể, năm 2024, với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 70%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn". Ảnh: VGP.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Khung này sẽ hướng dẫn để các cơ quan nhà nước: (1) Tối ưu hóa các bước, quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua rà soát, hoàn thiện thể chế; (2) Phát triển các công cụ, nền tảng, ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến dựa trên hạ tầng số, dữ liệu số, có thể đo lường, giám sát trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng; (3) Phát triển nhân lực số; (4) Các yêu cầu, tiêu chuẩn cần đáp ứng trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Khung bao gồm các nội dung chính: Tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; phát triển hạ tầng số; xây dựng kho dữ liệu số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thực hiện đo lường, giám sát trực tuyến.
Các đại biểu tham dự hội nghị điểm cầu Đắk Lắk
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện xuyên suốt 01 mục tiêu: Cắt giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; tạo thuận lợi tốt nhất để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Triển khai 2 trụ cột: Kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ; tạo điều kiện thuận lợi thủ tục dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
03 đột phá trọng tâm: Pháp lý hóa, số hóa và tự động hóa. Thực hiện 4 không: Không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định, không ai bị bỏ lại phía sau. 5 tăng cường: Tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ quyền lực; tăng cường công khai minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với kết nối, chia sẻ dữ liệu; tăng cường đầu tư hạ tầng số; tăng cường đối thoại và xử lý vướng mắc trong quá thực hiện; tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu mới.
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực, nhất là người đứng đầu khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Tập trung các nguồn lực xây dựng thể chế, cơ chế chính sách; rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật. Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho tạo môi trường công khai minh bạch.
Khẩn trương phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong thực hiện các thủ tục hành chính. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; rà soát, đánh giá lại các dịch vụ trực tuyến đảm bảo yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với người sử dụng.
Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình thiết kế cung cấp các dịch vụ công trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tái sử dụng dữ liệu liên thông. Nghiên cứu để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đối với các dịch vụ sự nghiệp công để hoàn thiện hệ sinh thái trên môi trường điện tử cho người dân và doanh nghiệp. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận một cửa. Các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến…
Kim Bảo
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 92 (07/09/2024, 08:13)
- Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại hai đơn vị thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk (06/09/2024, 19:36)
- Hội thảo giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn (06/09/2024, 14:00)
- Gặp mặt, tặng quà cho trẻ em mồ côi nhân dịp năm học mới 2024 – 2025 (05/09/2024, 22:41)
- Lễ khai giảng đầu tiên của Trường Tiểu học và THCS Vừ A Dính (05/09/2024, 16:31)
- Tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh (05/09/2024, 16:19)
- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung dự Lễ khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Huệ (05/09/2024, 13:38)
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn dự khai giảng với thầy trò trường huyện biên giới (05/09/2024, 13:26)
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh dự Lễ khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Lắk (05/09/2024, 11:53)
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (05/09/2024, 11:30)
- Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng (05/09/2024, 09:13)