Phát triển ngành hàng yến sào Đắk Lắk bền vững (12/11/2024, 15:15)

Ngày 12/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hội Yến sào tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển ngành hàng yến sào Đắk Lắk bền vững.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Cục Thú Y, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Hiệp hội Yến sào Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa; các công ty, doanh nghiệp yến sào của tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa.

Quang cảnh hội nghị.

Tỉnh Đắk Lắk có tài nguyên rừng lớn, hệ sinh thái nông nghiệp có tính đa dạng sinh học cao cùng thảm thực vật phong phú, tạo nên nguồn thức ăn dồi dào cho quần thể chim yến di cư từ các nơi khác đến sinh sôi, phát triển. Phát hiện ra tiềm năng, lợi thế từ ngành hàng yến sào, nhiều hộ dân trên địa bàn đã học hỏi, tìm hiểu các kỹ thuật gây nuôi chim yến của các địa phương khác về ứng dụng và phát triển nhân rộng. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nuôi chim yến nhanh về số lượng nhà yến và sản lượng yến (trên 10 tấn/năm). Tỉnh đã và đang thu hút nhà đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm từ tổ yến, hướng đến thị trường xuất khẩu. Với sản lượng và thu nhập hàng năm, việc gây nuôi chim yến đã và đang trở thành ngành hàng nông nghiệp có hiệu quả cao của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà phát biểu tại hội nghị.

Việc xây dựng nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bắt đầu vào những năm 2009 và phát triển mạnh từ năm 2016 đến nay. Số lượng nhà yến trên địa bàn tăng nhanh trong 3 năm gần đây. Đến tháng 9/2024, 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã có 1.725 nhà nuôi yến. Địa phương có số lượng nhà yến lớn gồm các huyện Ea Kar, Ea Súp, Krông Pắc và thành phố Buôn Ma Thuột. Hiện nay, số nhà yến trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng nhanh. Các nhà yến chủ yếu được người dân xây dựng mới, chiếm khoảng 70 - 80%. Qua khảo sát, hiện nay đa số các nhà yến chủ yếu bán tổ yến thô hoặc tự sơ chế để bán. Các cơ sở chế biến sâu sản phẩm tổ yến còn ít, chưa xây dựng được thương hiệu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 sản phẩm chế biến từ tổ yến được đánh giá phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao, 8 sản phẩm được đánh giá phân hạng là sản phẩm OCOP 4 sao.

Về xuất khẩu sản phẩm tổ yến, ngày 20/1/2024, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung (huyện Krông Pắc) đã xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số nhà yến trên địa bàn đã liên kết sản xuất với một số đơn vị xuất khẩu chính ngạch khác để chế biến, cung cấp sản phẩm tổ yến phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và một số nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản… Việc xuất khẩu được sản phẩm tổ yến là cơ hội để ngành hàng yến sào của tỉnh phát triển, trở thành một trong những ngành hàng mũi nhọn của ngành nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ký kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ yến sào.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành nuôi yến ở tỉnh Đắk Lắk đang gặp nhiều khó khăn và thách thức về định hướng quy hoạch vùng nuôi trọng điểm, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu. Việc gây nuôi chim yến thời gian qua chủ yếu phát triển theo phong trào, tự phát. Đa số người nuôi chim yến còn thiếu và yếu về kỹ thuật gây nuôi, sơ chế, chế biến, trang thiết bị lắp đặt, thông tin thị trường tiêu thụ. Việc kiến tạo, dẫn dắt và quản lý nhà nước đang còn nhiều hạn chế, có lúc lúng túng do còn thiếu các quy trình, quy chuẩn ngành hàng, các quy định của pháp luật và cơ chế chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là thiếu sự gắn kết giữa các cơ sở nuôi yến với thu mua, chế biến, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu nâng cao giá trị.

Từ thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Trung ương sớm ban hành các quy định về cơ chế, chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn, môi trường, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ công tác xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển ngành hàng yến bền vững. UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà yến và bản đồ hiện trạng nhà yến làm cơ sở để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, định hướng phát triển nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi bảo đảm quy định để triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng yến bền vững.

Khen thưởng các cá nhân.

Tại hội nghị, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận nhằm nhằm đánh giá toàn diện về thực trạng, tiềm năng, cơ hội và thách thức, thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp ngành hàng yến sào của tỉnh Đắk Lắk phát triển bền vững trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Hợp tác xã Yến sào tỉnh Đắk Lắk đã ký kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ yến sào với các đơn vị gồm Công ty Cổ phần Việt Nam Quốc Yến, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung, Công ty TNHH một thành viên thương mại Hải Yến Nha Trang.

Hội Yến sào tỉnh Đắk Lắk cũng đã vinh danh và khen thưởng cho 12 cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng yến sào tỉnh trong thời gian qua.

Minh Huệ

Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready