Tập huấn nghiệp vụ công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2024. (05/11/2024, 14:38)

Ngày 5/11, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2024.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh; cán bộ làm công tác bình đẳng giới thuộc các bộ, ban, ngành và sở Lao động - Thương binh và Xã hội một số tỉnh, thành trên cả nước.

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam là một trong số các quốc gia có khung pháp luật và chính sách khá toàn diện để thúc đẩy Bình đẳng giới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau 17 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế. Công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm. Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực. Mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được gắn kết, củng cố.

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 tăng 15 bậc so với năm 2021, tăng 11 bậc so với năm 2022 và đứng vị trí thứ 72/146 quốc gia. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 30,26%, tăng 3,58% so với nhiệm kỳ 2026 - 2021. Những con số được ghi nhận là động lực để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn một số khó khăn như: định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội; bộ máy làm công tác bình đẳng giới còn thiếu; vẫn còn những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật và việc thi hành chính sách về công tác bình đẳng giới… Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại các khoảng cách giới, đòi hỏi các giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo cơ hội tham gia, đóng góp và thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra mục tiêu “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của công tác lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trong các chiến  lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 2 khóa tập huấn về công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ngoài kiến thức, kỹ năng được các chuyên gia truyền tải, khóa tập huấn cũng là dịp để đại biểu trao đổi, chia sẻ những sáng kiến, cách làm hay, khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các bộ ngành, địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại biểu đã được lãnh đạo Vụ Bình đằng giới và chuyên gia truyền tải các nội dung: Tổng quan kết quả triển khai công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2023; một số vấn đề mới về bình đẳng giới; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cho biết, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng thực hiện công tác bình đẳng giới. Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Qua đó, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 29%. Tỷ lệ nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 27%; trên 90% phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ y tế. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng công chức, viên chức nữ được quan tâm, chú trọng.

Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới của tỉnh còn những tồn tại, hạn chế như: trình độ, năng lực chuyên môn, nghề nghiệp của phụ nữ còn hạn chế so với nam giới; nhiều phụ nữ thiếu việc làm, thu nhập thấp... Do đó, tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng, Hội nghị tập huấn sẽ giúp cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới có thêm cơ hội học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác…

Minh Huệ

Các tin khác
Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready