Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao ở vùng Tây Nguyên (18/04/2025, 14:30)

Sáng 18/4, tại TP. Buôn Ma Thuột diễn ra cuộc họp chuyên đề bàn giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao do Helvetas Việt Nam và Trung tâm Phát triển cộng đồng – CDC tổ chức. Tham dự có đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và các Viện, sở, ngành liên quan; doanh nghiệp sản xuất ca cao trong nước.

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Đây là nội dung trong khuôn khổ của dự án “Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao: Từ hạt ca cao đến thanh socola”, giai đoạn 2022 – 2026; dự án này do Liên minh châu Âu và Tổ chức Helvetas tài trợ, được triển khai ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Mục tiêu của dự án là thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp và trong chính sách nông nghiệp củaViệt Nam, hướng tới tăng trưởng kinh tế công bằng và giảm thiểu tác hại đến môi trường. Trong đó, tập trung chuyển đổi phân ngành ca cao/socola sang phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn tại các khâu quan trọng trong vòng đời sản phẩm và nhân rộng phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn sang các phân ngành nông nghiệp thực phẩm khác.

Chuyên gia Helvetas Việt Nam chia sẻ hoạt động dự án

Dự án sẽ mang lại cho 3.500 nông dân có thu nhập gia tăng nhờ áp dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn; 500 người có việc làm hoặc cơ hội việc làm tốt hơn; 6 công ty cacao chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; 4.000 tấn ca cao được sản xuất ứng dụng các giải pháp mới; 100 tấn bao bì sinh học được sản xuất; 250.000 EUR đầu tư vào mô hình kinh tế tuần hoàn; 4 sáng kiến chính sách hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn được xây dựng.

Tính đến tháng 3/2025, dự án đã có: 3 nghiên cứu điển hình công bố; 10 doanh nghiệp/HTX ca cao được hỗ trợ; 30 gói hỗ trợ kỹ thuật thực hiện; 6 mô hình trình diễn; tổ chức 27 khoá đào tạo, với 1.428 người được đào tạo; khoảng 70% nông hộ trồng cacao được tiếp cận và gián tiếp hưởng lợi…

Helvetas Việt Nam và Trung tâm Phát triển cộng đồng – CDC ký kết hợp tác triển khai dự án

Hiện nay, tổng diện tích trồng ca cao của Việt Nam năm 2024 đạt 3.4071 ha, trong đó các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng chiếm 48%. Tổng sản lượng ca cao nguyên liệu của Việt Nam đạt 4.789 tấn/năm. Cao cao là cây trồng lâu năm, việc phát triển cây ca cao trong thời gian qua còn thiếu ổn định, nhiều diện tích ca cao bị thay thế bởi các cây trồng khác tại các vùng.

Đại biểu tìm hiểu sản phẩm được làm từ cây ca cao

Đặc biệt, Tây Nguyên là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây ca cao, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, ngành ca cao tại khu vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong việc tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất và tận dụng phụ phẩm để tăng hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, cho đến nay, phát triển cây ca cao ở Tây Nguyên vẫn còn vướng bận về vấn đề môi trường và lãng phí trong chuỗi sản xuất, cụ thể phụ phẩm từ ca cao (vỏ, bã ca cao...) chưa được tận dụng. Chính vì thế nhu cầu phát triển bền vững và tuần hoàn tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp của cây ca cao là rất cần thiết.

Tại cuộc họp, các vấn đề tồn tại đã được nêu ra như vấn đề đất trồng, giống, biện pháp kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ và tổ chức liên kết sản xuất… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành ca cao. Đó là, canh tác ca cao cần xác định tổ hợp cây trồng thích hợp để tạo thành lợi thế của cả hệ thống sinh thái cây trồng bao gồm cây che phủ, cây che bóng, chăn gió, cây che bóng cho cây ca cao là bắt buộc. Bởi vậy, cần lựa chọn các loại cây cho hướng kinh tế tuần hoàn để kết hợp với sản phẩm cây ca cao… Bên cạnh đó, cần có những chính sách phát triển của Bộ Nông nghiệp và Môi trường dành riêng cho cây ca cao để khai thác lợi thế của cây ca cao Việt Nam…

Nhân dịp này, Helvetas Việt Nam và Trung tâm Phát triển cộng đồng – CDC đã ký kết hợp tác toàn diện giữa hai bên trong hợp tác chiến lược về môi trường, xã hội và quản trị nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cùng chung tay hướng đến sự thịnh vượng cho cộng đồng.

Kim Bảo

Facebook Twitter Google

​​​

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready