Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên (25/10/2024, 15:15)

Sáng 25/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023 và giải pháp trong thời gian tới.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành hữu quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lưu Tiến Quang cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan trong tỉnh.

Trong giai đoạn 2013 - 2023, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã có những bước phát triển đáng kể. Theo đó, việc xã hội hóa trong giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập với 553.181 phòng học; số phòng học kiên cố khoảng 364.367, đạt tỉ lệ kiên cố hóa là 65,9%. Đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013, trong đó số phòng học kiên cố 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiến cố hóa là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013.

Về nhà công vụ cho giáo viên, từ 2014 đến nay, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là kiên cố hóa các phòng lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Theo số liệu thống kê hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương vẫn còn 10.794 phòng.

Trong giai đoạn 2013-2023, tổng kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 33.000 tỷ đồng với số phòng học được đầu tư khoảng 36.000 phòng; số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư khoảng 1.300 phòng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình).

Đến nay, cơ sở vật chất của các trường mầm non và phổ thông tại nhiều địa phương đã được cải thiện đáng kể, đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ hơn và thiết bị dạy học được nâng cấp hàng năm. Đặc biệt, các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số và những vùng kinh tế khó khăn đã nhận được nhiều hỗ trợ để tạo điều kiện cho trẻ em đến trường thuận lợi hơn.

Việc xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, cấp học mầm non có 56,9% trường đạt chuẩn quốc gia, cấp tiểu học có 62,8% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp THCS có 72,3% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp THPT có 49,6% trường đạt chuẩn quốc gia; trường phổ thông nhiều cấp học có 44,2% trường đạt chuẩn quốc gia.

Quá trình kiên cố hóa đã đạt được những kết quả rõ rệt, trong đó việc xã hội hóa là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững hệ thống giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác xã hội hóa trong những năm tiếp theo nhằm đảm bảo cơ sở vật chất giáo dục tiếp tục được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục. Trong đó chú trọng kiên cố hóa trường, lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học; tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên, đồng thời phải tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chỉ đạo rà soát sắp xếp mạng lưới trường, lớp học để đầu tư và huy động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả.

UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn; bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo, phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả các dự án liên quan đến giáo dục và đào tạo trong các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo tư nhân, thu hút các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở các khu vực khó khăn…

Minh Huệ

Quảng Cáo
   

​​​  ,

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready