Bàn giải pháp triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2023 - 2025 (11/07/2023, 14:52)

Sáng 11/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh chủ trì hội nghị; cùng tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các sở, ngành, địa phương.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh, giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương tiếp tục xác định 3 chương trình mục tiêu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế- xã hội gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, Chương trình MTQG phát triển kinh - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới được triển khai giai đoạn này; 02 Chương trình còn lại (Giảm nghèo bền vững, nông thôn mới) cũng có nhiều thay đổi về nội dung, địa bàn đầu tư, cơ chế đầu tư so với giai đoạn trước. Cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 đến giữa năm 2022 mới được ban hành. Năm 2022 là năm thứ hai của kỳ kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, nhưng là năm đầu tiên triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh chủ trì hội nghị

Trong bối cảnh quy định của các chương trình có nhiều thay đổi, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương chưa được ban hành kịp thời, số lượng văn bản địa phương cần xây dựng và ban hành quy định chi tiết để triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tương đối lớn, thời gian yêu cầu hoàn thành gấp, nên phần nào gây lúng túng cho các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuy nhiên với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ KH vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 đến từng đơn vị, địa phương là hơn 4.450 tỷ đồng/4.555,6 tỷ đồng, đạt 97,7%KH .Trong đó,  Chương trình giảm nghèo đã phân bổ hơn 666 tỷ đồng, đạt 100%; Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã phân bổ 1.616 tỷ đồng, đạt 100%; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã phân bổ 2.167 tỷ đồng/2.272 tỷ đồng, đạt 95,38%; còn lại 104,9 tỷ đồng thực hiện Dự án 2 chưa phân bổ chi tiết đến địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà tham gia ý kiến

Riêng kế hoạch 2023, đã cơ bản hoàn thành phân bổ 1.086 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển . Trong đó, Chương trình giảm nghèo bền vững là hơn 209 tỷ đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới là 342 tỷ đồng; Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hơn 535 tỷ đồng.

Theo đánh giá tại hội nghị, khó khăn, hạn chế chung của 03 chương trình, tiến độ xây dựng, ban hành thể chế, chính sách, hướng dẫn quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG của Trung ương còn chưa kịp thời; một số dự án thành phần, nội dung thành phần chưa thể triển khai thực hiện và giải ngân do chưa có hướng dẫn đầy đủ của Trung ương hoặc do vướng mắc khác nên địa phương chưa thể hoàn thiện cơ sở pháp lý để áp dụng (TDA2 Dự án 3 và TDA2 Dự án 10). Nội dung, đối tượng các chương trình MTQG thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới, đặc biệt là Chương trình 1719, nên công tác rà soát, xác định tiêu chí tính điểm phân bổ, xác định danh mục dự án đầu tư còn nhiều lúng túng, ảnh hưởng tiến độ giao kế hoạch, triển khai thực hiện và giải ngân. Văn bản triển khai thực hiện các dự án thành phần khá nhiều; Trung ương giao kế hoạch vốn năm 2022 vào cuối tháng 5, nên thời gian triển khai thực hiện dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình trong năm 2022 quá ngắn, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện....

Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại hội nghị

Về giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025, UBND tỉnh đề nghị đơn vị tăng cường quán triệt, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, tấm gương để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng việc triển khai các chính sách hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG. Sớm hoàn thành việc ban hành các cơ chế, chính sách, các văn bản được phân cấp cho địa phương quy định đến nay còn nợ để thực hiện các chương trình MTQG.  Quán triệt để phát huy tốt hơn sự thống nhất giữa các đơn vị, địa phương trong việc đọc, hiểu, vận dụng triển khai các chính sách trên địa bàn, nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn.

Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG  các cấp; tăng cường phân cấp gắn liền với quyền hạn, trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với từng đơn vị, địa phương trong thực hiện các chương trình MTQG. Tăng cường đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực đội ngũ tham gia thực hiện các chương trình MTQG các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Tăng cường triển khai công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình MTQG, các dự án, tiểu dự án thành phần nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch giao hằng năm và giai đoạn của từng Chương trình.

Ông Dương Tín Đức – Phó CVP Điều phối NTM tỉnh báo cáo kết quả triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại cuộc họp

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị khẳng định, 3 Chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Về giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và định hướng thực hiện trong giai đoạn 2026-2030, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các chương trình theo trách nhiệm và thẩm quyền; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo các chương trình, dự án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng, phát huy hiệu quả đầu tư; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo giải quyết, tham mưu kịp thời các nội dung; đồng thời, chú ý phân cấp quản lý đầu tư nhưng phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún.

Hội nghị được kết nối đến điểm cầu địa phương trong tỉnh

Cũng tại Hội nghị, các Sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận thêm về một số giải pháp nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và định hướng thực hiện các chương trình MTQG trong giai đoạn 2026-2030; một số kiến nghị, đề xuất để Trung ương xem xét khi xây dựng cơ chế, chính sách giai đoạn 2026 -2030.

Về Chương trình 1719, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2021 giảm 3,32%, 2022 giảm 3,66%, dự kiến đến cuối năm 2023, giảm 3,5% so với cuối năm 2022.

Về Chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều các năm 2021, 2022 giảm lần lượt 1,57% và 1,85%, ước đến cuối năm 2023, giảm từ 1,5 – 2% so với cuối năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo các năm 2021, 2022 giảm lần lượt 4,4% và 5,67%, năm 2023, dự kiến giảm 4 - 5% so với cuối năm 2022.

Về Chương trình nông thôn mới, đến nay có 72/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới; ước đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 84 xã đạt chuẩn, tăng 18 xã so với cuối năm 2020.

Kim Bảo

Các tin khác
Xem tất cả
Triển khai hiệu quả Dự án hỗ trợ kỹ thuật “An toàn Đập Việt Nam – New Zealand Pha 3” tại Đắk Lắk

Ngày 26/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả giai đoạn khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật “An toàn Đập Việt Nam – New Zealand Pha 3”. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ được tài trợ xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du công trình thủy lợi Ea Súp với nhiều kịch bản vận hành khác nhau và tập huấn cho tổ chức, cá nhân khai thác công thủy lợi về công tác quản lý vận hành hồ chứa.

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready