Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (29/12/2023, 08:12)

Chiều 28/12, đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp thứ 7 của Ủy ban nhằm tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu trung ương (Ảnh:chinhphu.vn).

Tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan và các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2023, chương trình chuyển đổi số quốc gia, chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu, trong đó có 18 mục tiêu đã hoàn thành, 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Liên minh Bưu chính thế giới xếp hạng chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với kỳ đánh giá trước đó vào năm 2021, đứng thứ 46, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Phiên họp (Ảnh:chinhphu.vn).

Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này dự báo đạt 0,75. Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Trong năm, cả nước đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp. Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân...

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Đắk Lắk.

Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất với Ủy ban quốc gia chủ đề: “Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Theo đó, tập trung vào nhiệm vụ phổ cập hạ tầng số; doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò tiên phong sáng tạo ứng dụng số đa dạng phục vụ các ngành, lĩnh vực; các ngành, lĩnh vực, địa phương cùng tham gia sáng tạo và triển khai ứng dụng số để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương. Danh mục nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 gồm 8 nhiệm vụ phổ cập hạ tầng số, 5 nhiệm vụ phổ cập các yếu tố nền tảng cho kinh tế số và 6 bài toán lớn về sáng tạo ứng dụng số đặt hàng các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tập trung giải quyết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp (Ảnh:chinhphu.vn).

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực, sự quyết tâm rất cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời nhấn mạnh, năm 2024, với bối cảnh kinh tế suy thoái trên quy mô toàn cầu và tình hình địa chính trị giữa các quốc gia đang có nhiều biến động, các nền kinh tế trên toàn cầu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, do đó, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phải hành động quyết liệt.

Thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang, pháp lý, cơ chế chính sách ưu đãi, ưu tiên trong lĩnh vực chuyển đổi số; phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời phát huy vai trò của người lãnh đạo đứng đầu để thúc đẩy phát triển chuyển đổi số ở đơn vị, địa phương; lấy người dân, doanh nghiệp là người được thụ hưởng, đóng vai trò trọng tâm của quá trình chuyển đổi số; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, kiểm tra, giám sát và tập trung truyền thông để huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Bên cạnh đó, phải luôn có tư duy đổi mới, quyết tâm cao, hành động quyết liệt; phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế số, hạ tầng số, dữ liệu số đồng bộ, hiện đại; phát triển số lượng nhưng phải đề cao chất lượng việc chuyển đổi số; các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Minh Huệ

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready