Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước (02/04/2024, 22:03)

Chiều tối 02/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024.

Dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và lãnh đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được các cấp, các ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, trong năm 2023, các cấp, các ngành, địa phương đã kịp thời thể chế hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động trong triển khai ngoại giao kinh tế; đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút các nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng; quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng và khuôn khổ quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng cố, nâng tầm, nâng cấp; các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực, địa phương được tăng cường trên cơ sở bám sát nhu cầu trong nước.  

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu thảo luận tại điểm cầu Đắk Lắk.

Công tác hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế được đẩy mạnh sâu rộng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, gắn với thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược phục vụ điều hành kinh tế - xã hội được đẩy mạnh. Cơ chế phối hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế được đổi mới; công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện ngoại giao kinh tế được tăng cường.

Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta cả năm 2023 đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai công tác ngoại giao kinh tế đôi lúc còn thiếu sáng tạo, nhạy bén; công tác nghiên cứu, tham mưu còn chưa theo kịp với diễn biến của kinh tế thế giới; hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược chưa xứng tầm với khuôn khổ quan hệ; việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc tồn đọng với một số đối tác còn kéo dài, tác động đến quan hệ kinh tế thương mại, thu hút đầu tư, thu hút và giải ngân vốn ODA…; tính kết nối, liên kết vùng giữa các địa phương trong tuyên truyền, quảng bá, triển khai công tác ngoại giao kinh tế với các đối tác chưa cao…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: chinhphu.vn).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, công tác ngoại giao kinh tế còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Thủ tướng chỉ rõ các định hướng lớn với ngoại giao kinh tế thời gian tới như: cần tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại; cùng nhau làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (thương mại, đầu tư, tiêu dùng), đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), các lĩnh vực mới và mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, AI…); khai thác tối đa tiềm năng của các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết; đẩy mạnh huy động nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào được đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, trở thành một chủ thể quan trọng trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới…

Minh Huệ

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready