Nâng cao năng lực bán hàng của chủ thể OCOP tỉnh Đắk Lắk (07/06/2024, 14:34)

Sáng 7/6, Sở Công Thương phối hợp với Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên tổ chức hội thảo "Nâng cao năng lực bán hàng cho các chủ thể OCOP tham gia điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh".

Tham dự hội nghị có ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công Thương; TS. Nguyễn Ngọc Tuyên – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên; lãnh đạo Sở, ngành, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung nghe tham luận gồm: Thực trạng và giải pháp để sản phẩm OCOP Tỉnh Đắk Lắk tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị phân phối toàn cầu; Nâng cao năng lực bán hàng của chủ thể OCOP trong bối cảnh công nghệ 4.0: bài học kinh nghiệm từ Công ty CP Ê Đê Cafe; Tiềm năng, thách thức và cơ hội khi tham gia thương mại trên các nền tảng trực tuyến: bài học kinh nghiệm từ HTXNN HENA; Tiềm năng và thách thức với các doanh nghiệp OCOP tỉnh Đắk Lắk tham gia bán hàng trên thị trường không gian mạng; Tham gia hệ thống bán lẻ siêu thị đối với sản phẩm OCOP Tỉnh Đắk lắk dưới góc nhìn nhà quản lý siêu thị GO Buôn Ma Thuột;

Ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công Thương phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh,  trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao năng lực bán hàng, tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là mục tiêu chiến lược để đưa sản phẩm của chúng ta vươn xa hơn, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.

TS. Nguyễn Ngọc Tuyên – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên đồng chủ trì hội thảo

Các chủ thể OCOP sẽ cùng nhau lắng nghe các chuyên gia, các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về những thách thức và cơ hội, và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, quảng bá sản phẩm OCOP. Những ý kiến, kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo sẽ mang lại những giá trị thiết thực, góp phần vào sự phát triển bền vững của các sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk.

Bà Tống Thị Hoài Phương – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp HENA chia sẻ thách thức và cơ hội khi tham gia thương mại trên các nền tảng trực tuyến

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tính đến 20/5/2024, tỉnh Đắk Lắk công nhận được 237 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (trong đó: có 03 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 28 sản phẩm 4 sao, 25 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 181 sản phẩm đạt 3 sao là sản phẩm OCOP của 95 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Với 143 chủ thể sản phẩm OCOP, trong đó doanh nghiệp chiếm 35,66%, Hợp tác xã chiếm 23,78% và Cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh chiếm 40,56%.

Đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk tham luận tại hội thảo 

Mặc dù sản phẩm OCOP  của tỉnh Đắk Lắk tăng mạnh nhưng năng lực tiếp cận thị trường đang còn rất khiêm tốn, chưa phát huy hết lợi thế, tiềm lực. Các chủ thể tham gia Chương trình vẫn đang gặp những khó khăn mang tính chất chủ quan như là: quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, việc lập hồ sơ OCOP còn gặp nhiều khó khăn do phải hoàn thiện nhiều tiêu chí theo quy định của Chương trình OCOP. Sự hiểu biết của một số cán bộ địa phương và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung vẫn phụ thuộc vào tư vấn; hoạt động xúc tiến thương mại tuy được triển khai, nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP.....

Các sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk trưng bày giới thiệu tại hội thảo

Để nâng cao năng lực bán hàng của chủ thể OCOP tỉnh Đắk Lắk, nhiều ý kiến cho rằng,  chính quyền các cấp cần triển khai đồng bộ đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ các chủ thể tích cực tham gia Chương trình theo đúng chu trình OCOP, không chạy theo thành tích nhằm đảm bảo các sản phẩm khi được đánh giá đạt sao phải có chất lượng và được thị trường tiếp nhận. Quan tâm xây dựng chính sách, giải pháp về đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho chủ thể vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ chuyển đổi khoa học công nghệ đối với các sản phẩm ocop. Các chủ thể ocop cần chủ động tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong bán hàng.

Cơ quan chức năng cần hỗ trợ các chủ thể tham gia Hội nghị kết nối cung cầu do các tỉnh, thành phố tổ chức và lồng ghép các kỳ xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho các chủ thể trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tại các điểm bán hàng trong và ngoài tỉnh; rút ngắn thủ tục xuất khẩu sản phẩm, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và giảm chi phí logictics...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuyên, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý Tây Nguyên, nhầm lẫn lớn nhất của các chủ thể OCOP khi họ cho rằng có chứng nhận OCOP có nghĩa là đã xây dựng thương hiệu và người tiêu dùng sẽ biết đến sản phẩm của mình. Chính điều này đã không tạo ra động lực cho các HTX/DN xây dựng và phát triển thương hiệu, làm giảm năng lực cạnh tranh trên các trung tâm thương mại và sàn thương mại điện tử:

Sao của OCOP chỉ là tờ giấy thông hành chứ không phải thương hiệu và thương hiệu là niềm tin của khách hàng. Khi có giấy thông hành thì phải song hành ở đó để khẳng định thương hiệu của mình thì lúc đó sản phẩm của chúng ta mới nâng tầm lên. Thứ hai là đào tạo đội ngũ bán hàng và đặc biệt tận dụng tốt cơ hội nền tảng công nghệ để làm tốt trong giai đoạn hiện nay.” -Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuyên chia sẻ.

 

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready