Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế cần phát huy và tận dụng mọi cơ hội phát triển đất nước (18/07/2024, 21:30)

Chiều tối 18/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng lưu ý các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh, có khả năng cạnh tranh, những mặt hàng mà thế giới có nhu cầu, các sản phẩm, mặt hàng đặc sản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; chủ tịch UBND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và lãnh đạo 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Các đại biểu tham dự điểm cầu Đắk Lắk

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, trong 36 hoạt động cấp cao, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Quan hệ ngoại giao tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp.

Nội dung thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch… được chú trọng lồng ghép và cụ thể hóa thành những cam kết, dự án trong mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.

Đặc biệt, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ và tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới đã nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế biên giới.

Bộ Ngoại giao đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các FTA chủ chốt, có tầm ảnh hưởng lớn với Việt Nam; nghiên cứu thúc đẩy và tăng tốc đàm phán nâng cấp nhiều FTA đã có hiệu lực một thời gian dài…

Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức nhiều chương trình quảng bá, hỗ trợ các địa phương và DN trong việc ký kết hơn 20 bản ghi nhớ với các đối tác quốc tế, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư quốc tế, ứng phó với nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào nông sản Việt Nam tại các thị trường trọng điểm... Những hoạt động này đã góp phần giải quyết vướng mắc và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã xác định mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho cả năm 2024 (từ 6,5-7%), đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Cùng với đó, chúng ta ưu tiên cho tăng trưởng, làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…), lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực phát triển.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nói trên; tiếp tục giữ vững, thúc đẩy đà phát triển, khí thế phát triển đang có và khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập.

Theo đó, phải bám sát yêu cầu phát triển đất nước và nhu cầu của các doanh nghiệp, địa phương trong nước, làm tốt việc kết nối kinh tế thế giới với nền kinh tế Việt Nam, kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam, kết nối các địa phương của các nước với các địa phương Việt Nam.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các cơ quan đại diện cần thúc đẩy quan hệ chính trị-ngoại giao, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, giao lưu nhân dân, du lịch.

Để góp phần thúc đẩy động lực xuất khẩu, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan đại diện cần đẩy mạnh quảng bá ra thế giới về các mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam với chất lượng cao, giá thành cạnh tranh; cũng như tăng cường giới thiệu về môi trường, đầu tư kinh doanh của Việt Nam, nhất là về các chính sách mới, các thành tựu phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng lưu ý các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh, có khả năng cạnh tranh, những mặt hàng mà thế giới có nhu cầu, các sản phẩm, mặt hàng đặc sản, đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu chuyển đổi xanh của các nước, giải quyết bài toán trước mắt và cả lâu dài.

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready