Bảo hiểm thất nghiệp: “Bảo bối” thời dịch Covid-19 (23/04/2020, 15:38)

Thời gian qua vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc lạm dụng, trục lợi quỹ BH thất nghiệp. Nguyên nhân có cả từ người lao động và từ chính các đơn vị sử dụng lao động. Trong khi đó, việc ngăn chặn triệt để tình trạng này không hề đơn giản.

Khó kiểm soát người thất nghiệp

Theo phản ánh của nhiều địa phương, nguyên nhân khiến tình trạng trục lợi BH thất nghiệp ngày một tăng chính là việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hiện nay khá dễ dàng. Khi NLĐ có đủ các loại giấy tờ (Quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc; sổ BHXH đã chốt kỳ tham gia; Chứng minh nhân dân) là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.

Người lao động đến làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Ảnh:Nguyễn Xuân)

Ông Đỗ Ngọc Thọ- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng, tình trạng này còn xuất phát từ cả phía NLĐ và chủ SDLĐ. Phía NLĐ thường chủ động nghỉ việc để hưởng chế độ BH thất nghiệp dù đơn vị vẫn bố trí được việc làm cho họ; NLĐ hưởng chế độ thai sản chủ động xin nghỉ việc để hưởng cả trợ cấp thai sản và TCTN; NLĐ gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng lại xin thôi việc để hưởng TCTN, sau đó mới làm thủ tục hưởng lương hưu; NLĐ và người SDLĐ thoả thuận chấm dứt HĐLĐ để hưởng TCTN, trong khi thực tế NLĐ vẫn tiếp tục làm việc; NLĐ có việc mới không khai báo mà thoả thuận với đơn vị mới về việc chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp để sau khi hưởng hết TCTN mới đề nghị truy đóng ngược lại; đơn vị SDLĐ nợ đóng, chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp, dẫn đến tại thời điểm lập danh sách chi trả TCTN, cơ quan BHXH không có thông tin tăng đóng của những trường hợp này; đi làm và đóng BHXH, BH thất nghiệp tại địa phương khác để tránh bị phát hiện. Còn về phía đơn vị SDLĐ có biểu hiện “lách luật để trốn đóng BH thất nghiệp bằng cách giao kết HĐLĐ dưới 3 tháng hoặc chưa đầy đủ số người trong đơn vị. “Việc xác định chính xác số đơn vị và NLĐ thuộc đối tượng tham gia còn là vấn đề khó khăn, nhất là đối với khu vực DN NQD”- ông Thọ chia sẻ.

Còn theo đại diện Trung tâm DVVL, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi NLĐ nộp đơn đề nghị hưởng TCTN, nếu NLĐ không trung thực khai báo thì rất khó kiểm soát việc họ đã có việc làm hay chưa. Vì vậy, tình trạng NLĐ dù có việc làm nhưng vẫn nhận TCTN diễn ra khá phổ biến. Chỉ đến khi DN tham gia BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ thì các Trung tâm DVVL mới phát hiện được, khiến việc thu hồi trợ cấp hết sức khó khăn. “Trung tâm DVVL không biết và không có công cụ nào để nhận biết NLĐ đã có việc làm mới hay chưa? Tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của NLĐ. Những trường hợp gian lận chỉ được nhận biết khi NLĐ có tham gia đóng BHXH ở nơi làm mới…”- đại diện Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết.

Một nhân viên phụ trách mảng BHXH của DN trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho biết: Theo quy định của Luật Việc làm, trong thời gian 3 tháng từ khi có quyết định nghỉ việc, NLĐ được đăng ký hưởng TCTN. Sau khi Trung tâm DVVL tiếp nhận hồ sơ đầy đủ thì cũng phải mất thêm 15 ngày mới có kết quả. Như vậy, NLĐ qua gần 4 tháng sẽ nhận được TCTN. “Trong khi cơ quan chức năng đang rà soát, xem xét thì NLĐ đã tìm được việc làm mới. Khi đi làm, nhận lương chỗ mới rồi mới được thông báo nhận TCTN… Lúc này, cơ quan BHXH cũng như Trung tâm DVVL phát hiện ra “gian lận” thì đã muộn nên rất khó thu hồi được số tiền NLĐ đã hưởng”- nhân viên này chia sẻ.

Phải nâng cao nhận thức cho NLĐ

Theo các chuyên gia lao động, sự phối hợp giữa DN và cơ quan chi trả BH thất nghiệp cần phải đồng bộ, quyết liệt thì mới ngăn chặn được việc trục lợi, lạm dụng chính sách BH thất nghiệp. Nếu không có những biện pháp mạnh tay, đồng bộ thì nguy cơ mất cân đối quỹ BH thất nghiệp sẽ xảy ra. Các Trung tâm DVVL khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết BH thất nghiệp của NLĐ là không có gì sai, bởi sổ BHXH, mức đóng BHXH đã cụ thể trên hệ thống. Song NLĐ đã có việc làm vẫn không thông báo với Trung tâm DVVL là vi phạm pháp luật. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, số tiền thất thoát là rất lớn…

Không chỉ dừng lại ở phạt hành chính, theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), Điều 214 Bộ luật Hình sự đã quy định rõ hành vi gian lận tiền BH thất nghiệp còn bị truy tố hình sự với mức án khá cao (cao nhất 10 năm tù). Đây được xem là giải pháp mạnh tay nhất giúp hạn chế tình trạng gian lận quỹ BH thất nghiệp. “Các DN khi tiếp nhận lao động hãy cập nhật ngay lên hệ thống thông tin của ngành BHXH để góp phần hạn chế trục lợi chính sách BH thất nghiệp. Bằng hệ thống liên thông như vậy sẽ góp phần loại bỏ những người vô tình hoặc cố ý trục lợi BH thất nghiệp”- đại diện Cục Việc làm đề nghị.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, bên cạnh việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Việc làm, tổ chức Công đoàn trong các DN cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi tính trung thực của cả NLĐ và chủ SDLĐ trong việc chấp hành pháp luật về BH thất nghiệp. Các ngành chức năng cần phối hợp với các cơ quan truyền thông làm rõ các phương thức trục lợi và biện pháp xử lý vi phạm để NLĐ biết và có ý thức tuân thủ.

Kim Bảo (tổng hợp BHXH Việt Nam)

 

Các tin khác
Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

​​​

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready