Từ năm 2012, bà Ngô Thị Dung được UBND huyện có văn bản đồng ý cho bà làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, thời hạn 12 tháng ký lại 1 lần, với chức danh Tư pháp - Hộ tịch ở xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Đến tháng 1/2015, bà Dung trúng tuyển công chức chức danh Tư pháp - Hộ tịch và tiếp tục làm việc tại xã đó. Tính đến năm 2017, bà đủ 60 tháng công tác, có đóng BHXH. Bà Dung hỏi, thời gian 3 năm bà làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ), đóng BHXH có được được xem xét cộng nối để tính phụ cấp lâu năm không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Ngày 24/12/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày 31/8/2011 của Liên Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính đã hướng dẫn đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ HĐLĐ, kể cả người tập sự, thử việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP như sau:
- Cán bộ, công chức (kể cả người tập sự) và người làm việc theo chế độ HĐLĐ hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Viên chức (kể cả người tập sự, thử việc) và người làm việc theo chế độ HĐLĐ hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định cùa pháp luật, làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;
- Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn quy định tại Khoản 3, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức;
- Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.
Phụ cấp công tác lâu năm
Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, được hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC như sau: Thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là tổng thời gian làm việc có đóng BHXH bắt buộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có thời gian đứt quãng thì được cộng dồn.
- Mức 0,5 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;
- Mức 0,7 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;
- Mức 1,0 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.
Nếu sự việc đúng như bà Ngô Thị Dung phản ánh, thì bà Dung có diễn biến quá trình công tác, đóng BHXH như sau:
Từ năm 2012, UBND huyện có văn bản đồng ý cho bà Dung làm việc theo chế độ HĐLĐ, thời hạn 12 tháng ký lại 1 lần, với chức danh Tư pháp - Hộ tịch ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đến tháng 1/2015, bà Dung trúng tuyển công chức chức danh Tư pháp - Hộ tịch tiếp tục làm việc tại xã đó.
Hướng dẫn tại Điểm c, Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC chỉ nêu cán bộ, công chức mà không nêu người làm việc theo chế độ HĐLĐ tại xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng được áp dụng chính sách tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, là do chế độ HĐLĐ tại xã, phường, thị trấn thường chỉ áp dụng đối với những người hoạt động không chuyên trách.
Trường hợp bà Dung được UBND huyện ra văn bản đồng ý thực hiện chế độ HĐLĐ với chức danh Tư pháp – Hộ tịch ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, được xếp lương như công chức hành chính theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, có đóng BHXH bắt buộc, tương tự như trường hợp người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong các cơ quan và đơn vị sự nghiệp Nhà nước cấp huyện quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC, thuộc đối tượng áp dụng chính sách Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.
Vì vậy, thời gian bà Dung đã làm việc chuyên trách theo hợp đồng đến khi trúng tuyển công chức, cần được xem xét cộng nối với thời gian là công chức, để tính hưởng chế độ phụ cấp công tác lâu năm theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP được hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC.
Theo chinhphu.vn
- Điểm tin một số văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Đắk Lắk (Tuần 1 tháng 5/2025) (09/05/2025, 10:23)
- Tuyên truyền Cuộc thi tìm hiểu về 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/05/2025, 16:21)
- Tuyên truyền Kết luận số 137- KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị (06/05/2025, 16:16)
- Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (06/05/2025, 14:13)
- Kế hoạch tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 tại tỉnh Đắk Lắk (05/05/2025, 10:36)
- Triển khai thực hiện Công điện số 29/CĐ-TTg, ngày 03/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ (28/04/2025, 15:25)
- Triển khai thực hiện Công điện số 50/CĐ-TTg, ngày 24/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ (28/04/2025, 10:33)
- Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (26/04/2025, 14:46)
- Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (25/04/2025, 11:11)
- Điểm tin một số văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Đắk Lắk (Tuần 3 tháng 4/2025) (25/04/2025, 11:00)
- Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch Sởi trên địa bàn toàn tỉnh năm 2025, đợt 3 (25/04/2025, 10:33)