Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn triển khai nhiệm vụ năm 2021 (16/04/2021, 10:33)

Chiều 15/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT đã tổ chức tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo và thảo luận các nội dung gồm : Chuyên đề về kinh tế hợp tác; Đề án Bảo tồn và Phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2030; giới thiệu về sản phẩm OCOP; Tập huấn quản trị và vận hành hệ thống công nghệ số trong quản lý dữ liệu hợp tác xã.

Các đại biểu dự Hội nghị

Báo cáo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2020, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã tiếp tục có sự chuyển biến mạnh cả về số lượng các HTX nông nghiệp và chất lượng hoat động của các HTX. Tuy khó khăn bởi dịch bệnh nhưng số lượng các HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị đạt trên 4.000 HTX bằng 23,5%, tăng 2-3 lần so với trước năm 2016; cả nước trên 1.700 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất; Quy mô doanh thu của HTX đạt 2,44 tỷ/HTX cao hơn 1,7 lần so với 2016. Tỷ lệ HTX đạt khá giỏi vẫn tăng đạt gần 70% tổng số HTX được đánh giá. Xuất hiện nhiều mô hình HTX hoat động hiệu quả. Nhiều địa phương quan tâm thực sự và có chính sách cụ thể phát triển HTX. Đã có 57 tỉnh ban hành chính sách phát triển liên kết, chuỗi giá trị, trong đó 48 tỉnh ban hành danh mục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, trong đó công nhận gần 2.346 sản phẩm chủ lực; cả nước đã phê duyệt được 359 dự án liên kết, nâng số chuỗi liên kết cả nước lên 1.644 chuỗi.

Chuyên gia trình bày về báo cáo chuyên đề tại hội nghị

Phát triển ngành nghề nông thôn được quan tâm trở lại khi Chính phủ và Bộ Nông nghiêp và PTNT cùng các địa phương tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ-CP và lần đầu tiên tổ chức thành công cuộc thi thường niên hàng TCMN quốc gia. Qua sơ kết đã đánh giá được tiềm năng, cơ hội của khu vực kinh tế và cả các yếu kém thách thức mà ngay TCMN đang gặp phải để có phương hướng giải pháp khắc phục. Chính phủ đã đồng ý để Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ năm nay Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn.

Chương trình giảm nghèo, năm 2020 việc hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch. Kết quả theo dõi tại 37 địa phương, tổng kinh phí hỗ trợ là 9.323.250 triệu đồng. Trong đó, tại huyện 30a triển khai 1.743 dự  án, hỗ trợ cho 240.844 người; Chương trình 135 là 2.253 dự án, số người được hỗ trợ trên 245.945 hộ; xã ngoài vùng 135 và 30a thực hiện 464 dự án, số người được hỗ trợ 10.826 hộ.

Các chỉ tiêu về cơ giới hóa nông nghiệp một số khâu năm 2020 tăng từ 2-8% so với năm 2019. Ở một số địa phương, nhất là các tỉnh ĐBSCL đã áp dụng máy xạ khóm lúa; phun thuốc BVTV, gieo hạt bằng thiết bị bay không người lái có hiệu quả cao. Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 97%; khâu gieo, trồng 65%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 82%; khâu thu hoạch lúa 78% (riêng các tỉnh đồng bằng đạt 93%); tổn thất trong nông nghiệp giảm nhất là đối với sản xuất lúa, gạo hiện nay còn 8-10%.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, thu hút nguồn nhân lực qua đào tạo về làm việc tại hợp tác xã, đặc biệt là cán bộ trẻ được hỗ trợ tiền lương về làm việc tại HTX đảm bảo đạt 1.500-2.000 cán bộ. Triển khai Chương trình đào tạo giám đốc hợp tác xã để cấp chứng chỉ quốc gia nghề sơ cấp theo khung và chương trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Hỗ trợ và xây dựng mô hình theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025.

Tổ chức đào tạo cho trên 300.000 lao động học nghề nông nghiệp  nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, tập trung đào tạo cho lao động phát triển ngành nghề nông thôn; Đào tạo cho lao động tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm Ocop; Đào tạo cho lao động trong các vùng sản xuất hàng hóa.

Xây dựng và nhân rộng một số mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, nhất là 06 mô hình cơ giới hóa đồng bộ ở các ngành lúa gạo và cà phê đang triển khai tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và Sóc Trăng. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho người nghèo theo hướng sản xuất hàng hóa thích ứng với biến đổi khí hậu; đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Kim Bảo

Các tin khác
Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready