Giới thiệu, hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển của Việt Nam (04/05/2019, 14:52)

Sáng 4/5, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (KTVBQPPL), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị giới thiệu, hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển của Việt Nam cho hơn 150 cán bộ, công chức và luật sư đến từ 7 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Ông Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục KTVBQPPL chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục KTVBQPPL cho biết, trong thời gian qua, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại nhiều bất cập, tác động không tốt đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Một trong những bất cập rõ nhất đó là khối lượng văn bản được ban hành rất lớn (khoảng 10.000 văn bản do các cơ quan Trung ương ban hành và hơn 100.000 văn ban QPPL do các cơ quan ở địa phương ban hành), thay đổi liên tục, cùng một vấn đề có thể quy định ở nhiều văn bản khác nhau với các cấp độ văn bản khác nhau. Để khắc phục thực trạng trên và hướng đến mục tiêu đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ tiếp cận cho người dân nói chung thì pháp điển chính là giải pháp tối ưu được đề ra.

Ông Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục KTVBQPPL phát biểu tại Hội nghị

Bộ Pháp điển của Việt Nam là tập hợp các quy phạm pháp luật trong các văn bản QPPL đang còn hiệu lực do cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành, từ cấp Thông tư của Bộ trưởng trở lên, trừ Hiến pháp. Bộ Pháp điển bao gồm 45 chủ đề với 265 đề mục, được triển khai và hoàn thiện trong 10 năm (2014-2023) theo lộ trình 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 (2014-2017) hoàn thành 8 chủ đề (gồm 22 đề mục); giai đoạn 2 (2018-2020) hoàn thành 27 chủ đề (gồm 144 đề mục); giai đoạn 3 (2021-2023) hoàn thành 10 chủ đề (gồm 99 đề mục).

Đến nay, có 94 đề mục đã được Chính phủ thông qua và cập nhật vào Bộ Pháp điển, 26 đề mục đã thẩm định và chuẩn bị trình Chính phủ thông qua, 145 đề mục đang và chưa thực hiện pháp điển. Qua theo dõi, Cục KTVBQPPL nhận thấy, Bộ Pháp điển đã bước đầu được các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, một số luật sư, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc.

Đại diện Bộ Tư pháp giới thiệu về Bộ Pháp điển của Việt Nam

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu khái quát về các hình thức pháp điển hệ thống QPPL trên thế giới; cách thức pháp điển hệ thống QPPL ở Việt Nam; nguyên tắc thực hiện pháp điển; cấu trúc của Bộ Pháp điển; giá trị sử dụng Bộ Pháp điển; công tác xây dựng Bộ pháp điển; nội dung, hình thức, cách thức khai thác và sử dụng Bộ Pháp điển của Việt Nam.  

Bộ Pháp điển của Việt Nam được đăng tải công khai tại Cổng thông tin điện tử pháp điển, địa chỉ: phapdien.moj.gov.vn và các tổ chức, cá nhân có thể miễn phí truy cập, khai thác, tìm kiếm các quy định của pháp luật trong Bộ Pháp điển.

Minh Huệ

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready