Hội thảo khoa học “Pháp luật về tổ chức xã hội của một số nước trên thế giới và góp ý cho dự thảo Luật về Hội ở Việt Nam”. (08/04/2016, 14:36)

Sáng nay (08/4), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Pháp luật về tổ chức xã hội của một số nước trên thế giới và góp ý cho dự thảo Luật về Hội ở Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có ông Scott Ciment – Cố vấn về Pháp quyền và tổ chức xã hội dân sự của UNDP tại Việt Nam; đại diện các tổ chức Hội, đoàn thể của tỉnh, đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh. PGS.TS Trịnh Đức Thảo – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Quyền lập Hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp nước ta và pháp luật một số nước ghi nhận. Trong thời gian qua, nhà nước đã tạo điều kiện cho các Hội hoạt động, phát triển, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp. Đến nay, các Hội ở nước ta đã phát triển đa dạng về cả quy mô, phạm vi và tính chất. Về số lượng, tính đến tháng 12/2014, cả nước có 52.565 Hội, trong đó có 8.792 Hội có tính chất đặc thù. Một số Hội đã được xác định là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp và 10 Hội được thành lập đảng đoàn. Về cơ bản, mô hình hoạt động của các Hội là phù hợp với quy mô, tính chất và vai trò của từng Hội. Tuy nhiên, đến nay công tác quản lý nhà nước về Hội và tình hình tổ chức hoạt động của Hội cho thấy nhiều bất cập như: một số quy định về chính sách, chế độ đối với người làm việc tại Hội còn chưa phù hợp; nhiều hội hoạt động còn hình thức, chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của hội viên; hoạt động, tổ chức của Hội còn bất cập so với quy định của Hiến pháp và quá trình hội nhập quốc tế…

PGS.TS. Trịnh Đức Thảo – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Qua phân tích pháp luật về Hội ở một số nước, có thể thấy, đa số các quốc gia có Hiến pháp thành văn đều hiến định quyền tự do lập Hội; nhiều quốc gia không ban hành Luật về Hội như một văn bản pháp luật chung mà việc thành lập, đăng ký và hoạt động của các Hội trong từng lĩnh vực sẽ do luật về lĩnh vực đó quy định; quyền tự do lập Hội gắn với nghề nghiệp hoặc những lợi ích chung của các nhóm người khác nhau trong xã hội; hầu hết các quốc gia khi ban hành pháp luật về Hội đều viện dẫn trực tiếp hoặc nội luật hóa các quy định của công ước quốc tế về quyền con người; việc cấp phép, thành lập Hội, tổ chức phi chính phủ ở các nước là khác nhau…

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật về Hội, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo luật, đồng thời quan tâm đến các nội dung như: điều kiện thành lập Hội; điều kiện tham gia Hội của người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam; cần phân biệt rõ thế nào là Hội đặc thù và Hội không đặc thù; cơ cấu tổ chức của Hội; tài chính đảm bảo cho hoạt động Hội…Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Luật về Hội trong giai đoạn hiện nay là cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thực hiện quyền lập Hội của công dân, phát huy vai trò của Hội và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các tổ chức Hội ở Việt Nam.

Ông Dương Thanh Tương – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát biểu tham gia góp ý vào Dự thảo Luật.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 203 Hội đặc thù các cấp, trong đó cấp tỉnh có 21 Hội, cấp huyện có 77 Hội và cấp xã có 105 Hội, ngoài ra còn có 43 Hội quần chúng hoạt động ở các lĩnh vực khác. Các tổ chức Hội trên địa bàn đã từng bước kiện toàn, hoạt động đi vào nề nếp, công tác quản lý Hội đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh xây dựng và thực hiện tốt các chương trình phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Dự thảo Luật về Hội có 8 chương, 36 điều, quy định đối tượng áp dụng; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội; điều kiện thành lập Hội; quyền và nghĩa vụ của hội viên; cơ cấu tổ chức, quyền và nghĩa vụ của Hội; tài sản, tài chính của Hội; quản lý nhà nước về Hội; quy định về xử phạt hành chính…

Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức xã hội đối với dự thảo Luật về Hội là hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Thông qua Hội thảo, đại diện các tổ chức Hội, đoàn thể của tỉnh sẽ được kiến nghị những bất cập, hạn chế của tổ chức, hoạt động Hội ở cơ sở, đồng thời tiếp thu những kinh nghiệm quý báu để áp dụng cho việc triển khai thực hiện công tác tổ chức Hội nói chung, đặc biệt là ở tỉnh Đắk Lắk, qua đó góp phần đảm bảo cho hoạt động Hội ngày càng phát triển, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo nhằm mục đích thu thập ý kiến từ các cơ quan, tổ chức xã hội nhằm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu của dự án Luật, đề xuất các khuyến nghị và giải pháp hoàn thiện pháp luật về Hội ở Việt Nam.                                           

Thế Sự

Các tin khác
Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh
Quảng Cáo
   

​​​  ,

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready