Hội thảo“Luật tục trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên ở Tây Nguyên: hiện trạng, thách thức và khuyến nghị cho tương lai” (26/11/2021, 16:49)

 Sáng 26/11, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam (Tropenbos Việt Nam) phối hợp cùng Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo“ Luật tục trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên ở Tây Nguyên: hiện trạng, thách thức và khuyến nghị cho tương lai”.

Các đại biểu dự hội thảo theo hình thức trực tuyến

Tại Hội thảo,các chuyên gia đã chia sẻ kết quả nghiên cứu xoay quanh các vấn đề gồm: Mối quan hệ giữa pháp luật với luật tục ÊĐê; Luật tục Tây Nguyên trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên – rào cản và các khuyến nghị chính sách; Luật pháp, luật tục và thực tiễn sử dụng rừng Tây Nguyên.

PGS.TS Vương Xuân Tình - Viện Dân tộc học trình bày tham luận tại hội thảo

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, Luật tục Ê Đê đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực khác nhau của đời sống, từ sản xuất, tổ chức xã hội và quan hệ cộng đồng, gia đình và quan hệ gia đình, quan hệ nam nữ đến lễ nghi, tín ngưỡng…

Luật tục đã phản ánh tư duy duy lý dân gian của người Ê Đê trong quá trình tồn tại và phát triển. Những khuôn khổ, cách thức sống được đặt ra không đơn thuần là sự nhận thức cảm tính mà đã được định hình bằng những lý lẽ được coi như chân lý mà ai cũng phải nghe theo, không còn sự lựa chọn nào khác.

Ông Trần Hữu Nghị - Giám đốc Tropenbos Việt Nam phát biều đề dẫn tại Hội thảo

Trong xã hội Tây Nguyên cổ truyền, quyền sở hữu tối cao về đất và rừng thuộc về cộng đồng buôn làng. Đất đai còn chịu sự chi phối bởi sở hữu dòng họ. Trong phạm vi buôn, đất rừng thuộc sở hữu chung của cộng đồng tập thể buôn (common property), đất canh tác thuộc sở hữu của các hộ gia đình (private property). Mỗi gia đình có thể chiếm hữu không chỉ đất đang canh tác mà còn cả những diện tích rẫy đã canh tác trước đó được Luật tục công nhận.

Ông Lê Văn Lân - Chuyên gia Tropenbos Việt Nam báo cáo kết quả nghiên cứu

Trong tương lai, để nâng cao vai trò của Luật tục Tây Nguyên trong quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên ở khu vực Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu khuyến nghị:  Trên cơ sở lựa chọn giá trị của luật tục, Nhà nước khuyến khích chính quyền địa phương xây dựng và ban hành luật tục, quy định về một số vấn đề nhất định có hiệu lực trong phạm vi một đơn vị dân cư, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và các quy phạm pháp luật” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ê đê sinh sống.

 Đặc biệt cần xem xét vận dụng những luật tục tiến bộ trong quá trình xét xử tại tòa. Loại trừ và có chế tài cụ thể đối với những quy định lạc hậu của luật tục. Bởi, luật tục thường bám rễ sâu trong tiềm thức của cộng đồng, nó trở thành thói quen trong ứng xử hằng ngày của từng thành viên trong cộng đồng.

Hình thức sở hữu đất đai của cộng đồng đã tồn tại hàng trăm năm. Nên tiếp tục thực hiện trao quyền/phân quyền cho cộng đồng sử dụng, quản lý đất đai. Luật tục đề cao vai trò của Già làng, người có uy tín. Cấu trúc quản trị rừng nên có vai trò của già làng, người có uy tín (Tuyên truyền, hòa giải, phát huy kiến thức bản địa…).

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật trong vùng dân tộc thiểu số; đặc biệt là phát huy vai trò của người uy tín, già làng, trưởng buôn, thôn trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và áp dụng những luật tục tiến bộ để duy trì, điều chỉnh xã hội ngay trong buôn, làng.

Tăng cường không gian sinh tồn của đồng bào tại chỗ: Rà soát, thu hồi các diện tích đất rừng đã giao cho các chủ thể khác nhưng làm ăn không hiệu quả để giao lại cho người dân; Giao lại đất rừng do UBND xã đang quản lý về cho cộng đồng; Giải quyết dứt điểm các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa các chủ thể với cộng đồng.

Chuyên gia Lê Văn Lân -Tropenbos Việt Nam nhấn mạnh, Luật tục Tây Nguyên có vai trò hỗ trợ để đưa Pháp luật vào đời sống cộng đồng. Vì vậy, đưa Luật tục vào Hương ước, Quy ước thành Quy chế tự quản ở các buôn làng người Tây Nguyên là hình thức rất thích hợp. Đây là công cụ truyền tải và góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt Pháp luật về quản lý cộng đồng, quản lý bảo vệ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Do đó, khi thực hiện giao đất giao rừng (GĐGR) ở Tây Nguyên, cần quan tâm: GĐGR cho cộng đồng tại chỗ có chung truyền thống, dòng họ, thôn buôn; GĐGR phải phù hợp nhu cầu, năng lực quản lý cũng như nguồn lực của người dân; GĐGR là các khu rừng truyền thống, rừng thiêng, rừng bảo vệ nguồn nước hoặc những khu rừng đã gắn bó lâu đời với cộng đồng;  GĐGR không làm nảy sinh mâu thuẫn, lợi ích giữa dân tộc này với dân tộc khác; Việc GĐGR phải bảo đảm tối đa sự tham gia của người dân – Chuyên gia Lê Văn Lân – Tropenbos Việt Nam thông tin.

Kim Bảo

Bình chọn
Xin ý kiến đánh giá về giao diện, nội dung, chất lượng cung cấp thông tin của Cổng thông tin điện tử tỉnh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready