Trong lịch sử, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) gắn liền với sự hình thành các buôn làng và không gian văn hóa độc đáo của vùng đất Tây Nguyên là cội nguồn cho sự phát triển thành phố Buôn Ma Thuột như ngày nay. Một trong nét văn hoá đặc sắc ấy phải kể đến “buôn trong phố”, đây là sự giao thoa đặc sắc và độc đáo ở đô thị vùng sơn nguyên này.
Buôn Ma Thuột- thủ phủ của vùng đất Tây Nguyên được biết đến là vùng đất thiên nhiên hùng vĩ, cái nôi của văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ, mang đậm nét đặc trưng của cư dân bản địa với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo và đồ sộ còn lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa độc đáo. Những ai từng đến đây đều ghé thăm các buôn như: Akô Dhông, Dhăp rông, Păn Lăm, Kô Siêr, Ea Nao, Buôn Bông… rồi mê mẩn với không gian sống thanh bình và yên ả của đồng bào dân tộc tại chỗ nơi đây.
Trong giai đoạn đô thị hoá đang diễn ra ồ ạt, nhưng các buôn trong phố ở Buôn Ma Thuột vẫn giữ được nét văn hoá nguyên sơ của vùng bản địa. Xen lẫn giữa cuộc sống thị thành của những ngôi nhà cao tầng là hình ảnh những nhà dài, bến nước, giếng làng và những vật dụng cổ như chiêng ché, trống, nồi đồng, kpan (ghế cổ dài hàng chục mét đẽo bằng 1 thân cổ thụ để ngồi đánh chiêng), khung dệt cổ… Chính điều này tạo nên sự giao thoa văn hoá, góp phần làm đa dạng cho màu sắc của phố núi Ban Mê.
Buôn Ako Dhong, phường Tân Lợi, Tp Buôn Ma Thuột nằm giữa lòng phố núi Ban Mê tạo nên sự đa dạng và độc đáo
Nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật, thành phố Buôn Ma Thuột, Buôn Ako Dhong, phường Tân Lợi là một trong những buôn làng có lịch sử lâu đời, được quy hoạch đẹp, gìn giữ được nhiều giá trị truyền thống và lòng mến khách của đồng bào. Trong buôn bên cạnh những con đường nhựa, bê tông hiện đại là ngôi nhà dài Ako Dhong, đây là ngôi nhà của đồng bào Êđê nằm cạnh suối Ea Tam, xưa kia dưới sự cai quản của tù trưởng Ama Thuột. Nhà dài này truyền từ đời này qua đời khác, là biểu tượng của đại gia đình mẫu hệ, nơi gìn giữ nét văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Êđê, vừa hiện đại vừa cổ xưa. Những nếp nhà dài mộc mạc được làm bằng gỗ, lợp ngói, nằm theo hướng truyền thống từ Bắc đến Nam. Đường làng sạch sẽ, gia súc có chỗ nuôi nhốt riêng. Dọc đường cây xanh, khóm hoa được cắt tỉa đẹp mắt, thoáng đãng. Bên cạnh của hệ thống nước sạch văn minh đến từng nhà là những gốc cổ thụ, cây xanh trong buôn, già cấm bán, cấm chặt để giữ vẻ hoang dã.
Ông Ama Kim - buôn Akô Dhông chia sẽ: “Bên cạnh những kiến trúc cao tầng hiện đại, chúng tôi vẫn luôn gìn giữ những ngôi nhà dài của mình. Mất nhà dài là coi như mất cồng chiêng, mất sử thi, mất ghế Kpan, mất cả Giàng, cả hồn cốt người Ê Đê. Do vậy, đồng bào mình luôn luôn gìn giữ, bảo vệ nhà sàn, trai gái trong buôn, ai không nghe thì bị buôn xử phạt”.
Không chỉ buôn Akô Dhông còn lưu giữ nhiều nhà dài truyền thống ở Buôn Mê mà nhiều buôn khác như buôn PămLăm, buôn AkoSier, buôn AkoTam, buôn Niêng, Buôn Alê, buôn Ky,... Bên cạnh những bước phát triển của phố xã văn minh vẫn còn có khá nhiều những ngôi nhà dài truyền thống, bao nhiêu hộ gia đình Ê Đê thì còn bấy nhiêu ngôi nhà dài. Nằm trong lòng phố xã Ban Mê, buôn Kô Siêr, phường Tân Lập vẫn còn đó khá nhiều những ngôi nhà dài được bà con giữ gìn hầu như nguyên vẹn. Xung quanh những ngôi nhà truyền thống ấy là rẫy vườn, cây cối tươi tốt quanh năm, nên ai cũng bảo cái buôn này thật đẹp, thật nguyên sơ.
Hình ảnh ngôi nhà sàn dài của người Ê Đê vẫn được bà con đồng bào bảo tồn, sử dụng
Không chỉ nhà sàn, cồng chiêng… mới được đồng bào gìn giữ, phát huy, mà nghề thủ công như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, các vật dụng thiêng liêng như cồng, chiêng, ghế Kpan, ché… cùng các nghi lễ, lễ hội của người Ê Đê vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Đồng bào nơi đây vẫn lưu giữ các loại nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê như khèn đinh năm, cồng chiêng,… là pho từ điển sống của văn hóa, tập tục Ê Đê để truyền dạy cho thế hệ trẻ, thanh niên trong buôn. Sinh ra và lớn lên giữa buôn làng Tây Nguyên nghệ nhân Y Mip Ayun (buôn Kô Siêr, phường Tân Lập Tp Buôn Ma Thuột) không chỉ là người biết chế tác các loại nhạc cụ từ đing bút, tắc ta, chiêng kram, đàn gông, rồi đing pă, đing năm… Đến nay dù ở tuổi 74 nghệ nhân Y Mip Ayun vẫn tình nguyện mở lớp dạy đánh chiêng, chơi nhạc cụ dân tộc Ê Đê cho thế hệ trẻ, thanh niên các buôn làng. Ông còn được mời đi dạy đánh chiêng ở các buôn làng xa khác ở TP. Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, huyện Lak, Krông Ana,...
Hay ở buôn Alê A, phường Ea Tam ngoài bảo tồn, phát huy những giá trị của đồng bào dân tộc mình, bà con nơi đây còn tập trung phát huy nghề truyền thông dệt thổ cẩm rồi cũng đã liên kết với các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh để quảng bá, thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm. Họ đã tích cực truyền dạy nghề cho con cháu và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất (mua sắm thêm khung cửi, nguyên vật liệu sản xuất). Ngoài hình ảnh những mái nhà dài truyền thống của “buôn trong lòng phố đồng bào dân tộc Ê đê ở các buôn trong phố vẫn còn lưu giữ những tập quán, tập tục sinh hoạt hàng ngày của mình như mặc váy, cỏng gùi lên nương rẩy, nói bằng giọng nói của cha ông mình.
Ngoài ra, ở các buôn trong phố Ban Mê, gia đình người Ê Đê, bên cạnh sự bình đẳng của thời hiện đại thì chủ nhà của người Ê Đê vẫn là người phụ nữ, theo đó của cải và đất đai sẽ được truyền từ mẹ sang con gái, theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ. Phụ nữ chịu trách nhiệm trong quản lý gia đình, chăm sóc con cái, mồ mả tổ tiên, của cải thừa kế cho con cái... Đàn ông chịu trách nhiệm trong việc ngoại giao, giao lưu buôn bán với cộng đồng bên ngoài đồng thời các vấn đề tôn giáo và chính trị cũng là trách nhiệm của người đàn ông. Cho nên vai trò và địa vị của đàn ông Ê đê bên ngoài xã hội là rất lớn./.
Bá Thăng
- Công bố quyết định về công tác cán bộ (10/09/2024, 16:01)
- Buôn Đôn triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 (10/09/2024, 15:56)
- Tổng kết thử nghiệm quy trình “Lúa sạch hơn, xanh hơn, tăng năng suất, do lường và bao tiêu giảm phát thải khí nhà kính” (10/09/2024, 15:23)
- Triển khai dự án hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2024-2025 (10/09/2024, 10:50)
- Trao tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (09/09/2024, 15:20)
- Đắk Lắk hoàn thành xây dựng 1.200 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở (09/09/2024, 14:47)
- Đồn Biên phòng Ia Rvê kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (08/09/2024, 18:02)
- Đồn Biên phòng Yok M’Bre kỷ niệm 20 năm thành lập (08/09/2024, 17:59)
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 92 (07/09/2024, 08:13)
- Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tiếp tục hỗ trợ 370 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn (06/09/2024, 19:46)
- Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại hai đơn vị thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk (06/09/2024, 19:36)