Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá từng bước được chuyên nghiệp hóa. Các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong đấu giá, nhất là đấu giá tài sản công, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay, Sở Tư pháp đang tham mưu tiến tới ứng dụng hình thức đấu giá trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, hiện đại, phù hợp với xu thế của thời đại. Đồng thời đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cổng thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Thanh Vũ – Phó Giám đốc Sở Tư Pháp về vấn đề này.
Sở Tư pháp trả lời Cổng Thông tin điện tử tỉnh
Biên tập viên : Thưa ông, xin ông cho biết đôi nét về hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Đấu giá tài sản, hiểu đơn giản là một hình thức bán tài sản công khai theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định; nhiều người có thể cùng tham gia trả giá để xác định ai là người mua được tài sản đó.
Việc đấu giá tài sản nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng có thể chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là từ hết tháng 6/2017 trở về trước (việc đấu giá thực hiện lần lượt theo Quyết định 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản); giai đoạn thứ hai là từ tháng 7/2017 đến nay (việc đấu giá tài sản thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành).
Hiện nay, tài sản đấu giá có thể chia thành 02 loại: Thứ nhất là tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá (phổ biến như tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai; tài sản nhà nước theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tài sản thi hành án; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính ….); thứ hai là tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua trình tự, thủ tục đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Quy định này rõ và gọn hơn so với trước đây.
Theo quy định, chỉ có các tổ chức đấu giá tài sản mới có thẩm quyền thực hiện việc đấu giá đối với các tài sản nêu trên. Trên địa bàn tỉnh hiện có 09 tổ chức đấu giá tài sản, gồm: Thứ nhất, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh thành lập (địa chỉ 135 Lê Thị Hồng Gấm, thành phố Buôn Ma Thuột); thứ hai là 08 doanh nghiệp đấu giá thành lập theo loại hình công ty hợp danh (như Công ty Trung Nam, Tây Nguyên, Đại An….). Tổ chức, cá nhân có nhu cầu, có thể tra cứu Danh sách các tổ chức này trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk (địa chỉ: sotuphap.daklak.gov.vn/thông tin chuyên ngành/bổ trợ tư pháp/đấu giá tài sản).
Trong số 09 tổ chức nêu trên, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh luôn là đơn vị đứng đầu về việc đấu giá (trong năm 2020, Trung tâm đã tổ chức 428 cuộc đấu giá thành với tổng giá trị bán được là hơn 314 tỷ; 08 doanh nghiệp đấu giá đã tổ chức 298 cuộc đấu giá thành với tổng giá trị bán được là hơn 237 tỷ đồng), Trung tâm đã có đến 06 Đấu giá viên trong khi mỗi doanh nghiệp đấu giá chỉ có khoảng 02 – 03 đấu giá viên (08 doanh nghiệp có tổng cộng 19 đấu giá viên)).
Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh do Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện. Công tác này ngày càng được tăng cường; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong đấu giá, nhất là đấu giá tài sản công (trong đó có hơn 90% là đấu giá quyền sử dụng đất) ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Quá trình đấu giá cơ bản đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật; đảm bảo quyền, lợi ích của cả người có tài sản đấu giá và người tham gia đấu giá; góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Biên tập viên: Hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh hiện nay, có những tồn tại, hạn chế nào – thưa ông?
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, thực tiễn cho thấy hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế sau:
Một là: Về tổ chức đấu giá
- Quy mô tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu có từ 01 – 03 đấu giá viên, cơ sở vật chất còn hạn chế, kinh nghiệm chưa phong phú nên chưa thực sự được tin tưởng, lựa chọn cho những cuộc đấu giá quy mô.
- Hiện tượng chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật về đấu giá, đạo đức nghề nghiệp vẫn còn, gây ảnh hưởng đến uy tín hành nghề đấu giá.
Hai là: Trong hoạt động đấu giá
- Thứ nhất: Quy định pháp luật về đấu giá vẫn còn kẽ hở, điều này dẫn đến vẫn còn việc “lách luật” trong tổ chức, thực hiện hoạt động đấu giá.
Ví dụ như đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, Điều 56 Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định “Sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”, chứ không quy định cụ thể phải thông báo trong bao lâu. Điều này dẫn đến nên người có tài sản thông báo thời gian lựa chọn tổ chức đấu giá “siêu nhanh”, khiến các tổ chức đấu giá “trở tay không kịp”, tạo nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chỉ có tổ chức đấu giá được ngầm lựa chọn trước mới có thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ kịp thời hạn.
Hoặc như tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá, chỉ quy định chung chung như “Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; Năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản; Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp; Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố; Các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định” mà không có giới hạn, ràng buộc, không quy định cách thức thẩm định, đánh giá dẫn đến sự tùy tiện trong đưa ra những tiêu chí “trên trời dưới biển”, tùy tiện trong thẩm định, lựa chọn hồ sơ tham gia… dẫn đến quy định này chỉ còn hình thức.
Nhận thức được thực tiễn này, Bộ Tư pháp đã dự thảo Thông tư quy định cụ thể về lựa chọn tổ chức đấu giá để khắc phục vấn đề trên trong thời gian tới.
- Thứ hai: Sự thông đồng trong hoạt động đấu giá ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
Ví dụ nhiều khách hàng sau khi mua hồ sơ, đã quay ra thông đồng, thỏa thuận với nhau để một hoặc vài người nộp tiền đặt trước mua tài sản, những người khác không nộp tiền đặt trước chỉ bị mất tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá. Hay như tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” rất tinh vi, quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá; ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước.
- Thứ ba: Việc đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật (trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản; còn thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá… lại chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành như pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công; pháp luật về đất đai; pháp luật về khoáng sản...) trong khi nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong quá trình xử lý tài sản công của một số cơ quan, tổ chức, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là việc xây dựng phương án đấu giá, tổ chức định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá, giám sát quá trình tổ chức đấu giá… vẫn còn thiếu sót, gây khó khăn khi thực hiện đấu giá.
Ba là: Quản lý nhà nước về đấu giá
Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, hoạt động đấu giá tài sản nói riêng còn mỏng, vì vậy công tác quản lý nhà nước về tổ chức hoạt động đấu giá tài sản có thời điểm chưa kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tổ chức thường xuyên.
Biên tập viên: Để hoạt động đấu giá tài sản ngày càng chuyên nghiệp hóa, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả - theo ông, trong thời gian tới, cần có những giải pháp gì, thưa ông?
Những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn của hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh đều đã được ghi nhận, phân tích, mổ xẻ để xác định nguyên nhân nhằm đề ra giải pháp không những khắc phục tồn tại mà phải hướng đến ngày càng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả.
Hiện Sở đang triển khai xây dựng Đề án phát triển hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh, dự kiến ban hành trong quý IV/2021. Theo đó, sẽ chú trọng vào những giải pháp sau:
Thứ nhất: Kiến nghị Trung ương hoàn thiện thể chế về đấu giá và liên quan đến hoạt động đấu giá để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về đấu giá. Qua thực tiễn quản lý nhà nước về đấu giá, những bất cập, kẽ hở đều được cơ quan chức năng của tỉnh kịp thời phản ánh, kiến nghị. Ví dụ như quy định về lựa chọn tổ chức đấu giá, đấu giá đất đai, đấu giá khoáng sản, thẩm định giá, xác định giá khởi điểm…
Thứ hai: Bằng nhiều biện pháp, cách thức để tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, quán triệt quy định pháp luật về đấu giá và các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Thứ ba: Phát triển tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đấu giá, đấu giá viên thông qua cơ chế, thủ tục linh hoạt, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn, tọa đàm và đặc biệt là hướng đến thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên để quản lý, bảo vệ quyền lợi cho đội ngũ này.
Thứ tư: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá; tạo ra thế tam giác, phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đấu giá, đấu giá viên – cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá - các cơ quan, tổ chức liên quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng sân sau, thông đồng, dìm giá, quân xanh, quân đỏ, thông thầu trong đấu giá…
Thứ năm: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu giá. Trước mắt, sử dụng chính thức Phần mềm quản lý thông tin đấu giá để cập nhật, đầy đủ, chính xác các thông tin về đấu giá (tổ chức đấu giá, đấu giá viên, việc lựa chọn tổ chức đấu giá, công khai việc đấu giá….). Tiến tới, nghiên cứu, ứng dụng hình thức đấu giá trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, hiện đại, phù hợp với xu thế của thời đại.
Đấy là những giải pháp xác định chung cho thời gian tới, trong quá trình thực hiện, sẽ kịp thời điều chỉnh, cụ thể hóa để hoạt động này ngày càng phát triển, theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn; góp phần trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.
Xin cám ơn ông !
Kim Bảo thực hiện
- Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới (04/07/2025, 15:21)
- Tiếp tục phát triển toàn diện y dược cổ truyền (04/07/2025, 14:07)
- Đắk Lắk công bố các Quyết định về công tác cán bộ (03/07/2025, 12:58)
- Kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng (02/07/2025, 18:34)
- Khai mạc Kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 (02/07/2025, 15:56)
- Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn thăm và làm việc tại phường Buôn Ma Thuột (02/07/2025, 14:43)
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ Nhất (mở rộng) (01/07/2025, 18:28)
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk lần thứ Nhất (chuyên đề) (01/07/2025, 17:02)
- Kỳ họp thứ Nhất HĐND xã Krông Năng khóa I, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (01/07/2025, 16:40)
- Ra quân tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (01/07/2025, 16:30)
- Tỉnh ủy Đắk Lắk công bố các Quyết định về việc hợp nhất, thành lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc (01/07/2025, 14:30)